Nằm cách trung tâm thủ đô Phnom Penh hơn 300 km, đền Angkor Wat được xây dựng dưới thời vua Surja-warman II (1113-1150) - thời kỳ cực thịnh của đế chế Khmer. Angkor Wat mới đầu được xây dựng để thờ thần Vishnu của Ấn Độ giáo. Về sau, khi vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat đã trở thành linh đền thờ Phật giáo.
Angkor Wat là sự kết hợp của hai nét cơ bản trong kiến trúc Khmer: kiến trúc đền-núi cùng với những dãy hành lang dài và nhỏ hẹp. Kiến trúc này tượng trưng cho Núi Meru, quê hương của các vị thần trong truyền thuyết Ấn Độ giáo: nằm giữa một con hào và lớp tường bao dài hun hút là khu chính điện ba tầng với kiến trúc hình chữ nhật, kết nối với nhau bởi những dãy hành lang sâu thẳm.
Trung tâm của ngôi đền là tổ hợp 5 tháp với một tháp trung tâm và bốn tháp tại bốn góc. Toàn bộ ngôi đền được làm từ các tảng đá xếp chồng lên nhau và hoàn toàn không sử dụng vật liệu kết nối như: vữa hoặc xi măng.
Ông Im Sokrithy, Nhà khảo cổ học kiêm Giám đốc trung tâm bảo tồn quần thể Angkor cho biết, một khoảnh khắc vô cùng đặc biệt sẽ xảy ra khi thời gian ban ngày và đêm bằng nhau. Đó là hiện tượng mặt trời mọc trên đỉnh tháp Angkor Wat. Các kiến trúc sư của nền văn minh Angkor cổ đại đã sử dụng các kiến thức về kiến trúc, toán học và thiên văn để tạo ra hiện tượng độc đáo này. Mỗi năm hiện tượng này sẽ diễn ra 2 lần, song ngày nào thì mỗi năm lại khác nhau.