Lời than “ngành y chát chúa” của bác sĩ trẻ hứng gạch đá

Google News

(Kiến Thức) - Dân mạng đang sôi sục trước những bình luận “sóc óc” từ nữ bác sĩ trẻ khi tranh luận với một người than thở về xuất cơm đắt đỏ trong bệnh viện.

Tranh cãi nổ ra khi người dùng có nickname N.H.Hùng đăng một bài chia sẻ trên trang Hài... về chuyện anh đã trải qua khi cùng bố đi khám tại bệnh viện Đại học Y, Hà Nội. H.Hùng kể rằng anh vào nhà ăn bệnh viện Đại học Y gọi xin một cốc nước lọc tốn mất 10 nghìn đồng, hai cốc sinh tố giá 100 nghìn (50 nghìn/cốc), cùng xuất cơm đạm bạc có giá 40 nghìn, gọi thêm 1 miếng thịt gà mất thêm 10 nghìn đồng.
 Phần chia sẻ của N.H.Hùng trên trang Hài... gây xôn xao cộng đồng mạng.
Bức xúc về việc bị chặt chém quá đáng, H.Hùng viết: “Em không hiểu đây là nhà ăn bệnh viện, hay là nơi ăn cướp ban ngày. Vì bắt buộc thì cũng phải ăn thôi, nhưng với giá như thế này, liệu có quá đáng lắm không? Đắt thì cũng nên có mức độ thôi, làm thế này với những người bệnh nhân ăn uống ở đó, liệu có sống thọ được không? Em ra mua thuốc ở đối diện, thì nhân viên ở đây ghi tên Bác Sĩ kê đơn lại để cuối tháng còn hậu tạ tiền, mà thật sự mà nói đơn thuốc nào cũng đắt, dẫn đến bác sĩ càng ngày kê đơn càng cao, và tất cả đổ lên người bệnh. Con người với nhau cả, sao lại nỡ sống như vậy?”.
Phần chia sẻ được lan truyền trên mạng, trong vòng vài giờ đồng hồ đã có đến gần 1 nghìn lượt bình luận. Câu chuyện của N.H.Hùng vốn đã gây nhiều tranh cãi, cho đến khi một người dùng có tên Loan P. tự nhận mình là bác sĩ xuất hiện và quăng những dòng bình luận đầy chua chát về những điều mà cô đã từng trải nghiệm trong nghề y... thì những tranh cãi đã được đẩy lên đến mức cao trào.
Loan P. sử dụng hình ảnh đại diện mặc áo blue trắng viết bình luận: “Cưng sao không đến bệnh viện khác? Đây chính thức là bệnh viện được thành lập trên nguồn kinh phí của các nhân viên trong trường cũng như của trường. Nó hiệu quả, và độc quyền, anh muốn được nâng như nâng trứng từ lúc bước vào khám thì giá nó phải cao. Nó là độc quyền thì nó làm gì chả được. Bác sĩ chúng tôi cũng cần kiếm tiền nuôi sống gia đình chứ? Ở một môi trường không cho phép cái gọi là mối quan hệ, cái gọi là phong bì thì người ta phải tìm cách khác mà tồn tại. Bác sĩ cũng là con người, người ta biết lựa người để kê đơn đấy, còn anh mua hay không, điều trị hay không lại là chuyện của anh. Đừng kêu giá đắt khi mà nhà nước chẳng hỗ trợ đồng *** nào, trong khi bệnh viện vẫn cố gắng để làm thêm cái khoản điều trị bảo hiểm y tế. Có bệnh viện tư nào mà làm được như thế không hả? Không thuộc đối tượng cần xã hội quan tâm thì im *** nó đi...".
 Lý lẽ đầy chua chát của Loan P. về ngành y và những câu chuyện cô tự nhận từng nếm trải và thấu hiểu. 
Dù phải nhận khá nhiều ý kiến phản bác ngay sau đó nhưng Loan P. lại tiếp tục với một bài “giảng” đầy cay đắng khác về nghề y: “Trong suốt thời gian học, từng khoảnh khắc tiếp xúc với bệnh nhân, và người nhà bệnh nhân, chưa có 1 ai có thái độ thất vọng vì thái độ phục vụ của tôi. Cái tôi giúp được chưa bao giờ tôi từ chối. Nhưng cái thời sinh viên vô ưu vô lo qua đi. Khi các anh, các chị có một ông bố, và 1 bà mẹ lao lực đến kiệt sức để cố gắng kiếm tiền nuôi con ăn học trong 6 năm trời. Khi mà anh chị không có 1 xu để điều trị cho bố mẹ khi bậc sinh thành phải bỏ cả cánh tay vì không thể điều trị, vì cần tiền cho con ăn học. Đừng nói sinh viên bọn tôi chỉ có học mà thôi, tôi phải lăn lóc đi làm, đi trực từng đêm để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Và giờ tôi càng thấm thía sự hi sinh của các bậc sinh thành dành cho những đứa con học y như tôi. Những người comment ném gạch, ném đá tôi, tôi không quan tâm làm gì cả. Cái tôi cần là tồn tại, là sống tốt, có sống tốt thì tôi mới dùng cái tâm mà lo cho người khác được. Ngành nào cũng có cái nghiệt ngã của nó. Ngành y nó khốn nạn hơn vì nó đụng tới mạng sống người ta. Tốt thì chẳng thấy nói nhiều, nhưng xấu thì ai cũng rõ. Tại sao, vì ngành tôi còn bận cứu người không có thời gian mà bưng bít mấy cái sai sót ấy như ngành khác mà thôi".
Có thể thấy Loan P. viết ra những điều rất chua chát, như thể cô là một bác sĩ làm việc lâu năm, đã trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn. Nhưng chính những điều này lại khiến rất nhiều thành viên mạng bức xúc, họ bức xúc vì những lời biện minh cho chính bản thân mình của một nữ bác sĩ trẻ còn chưa rõ danh tính, bức xúc vì cái lý lẽ “ngu thì phải chịu” và “khi đi khám, nếu không phải đối tượng ưu tiên thì tốt nhất nên im miệng” mà một người tự nhận là bác sĩ đã nói thẳng không do dự.
 Bị dân mạng ném đá kịch liệt, Loan P. lại càng giở nhiều lý lẽ, dùng giọng triết lý để châm chọc. 
Nickname Gau Trúc Be Con bức xúc: “Dù là bác sĩ hay không, nhưng chị Loan P. không nên nói như thế. Bác sĩ hay giáo viên hay bất kì một nghề nào đó, thì cũng không nên nói rằng "tôi có quyền nói bậy". Chẳng phải nhân dân ta đã có câu: “ Lương y như từ mẫu" - Mẫu ở đây chính là người mẹ hiền mà sao chị ăn nói thiếu nghĩ vậy. Chẳng phải do đóng thuế hay không mà các quán cơm hay quán tạp hóa mà bán với giá thắt cổ như thế. Chẳng qua người bán hàng hiểu được tâm lí của người bệnh và người nhà bệnh nhân là bệnh nhân cần được chăm sóc 1 cách kĩ càng, đắt cũng phải mua, chạy vạy làm hồ sơ, thủ tục khám thời gian đâu mà mặc cả. Bố mẹ ai chẳng vất vả nuôi con ăn học, ai chẳng muốn con mình kiếm thật nhiều tiền sau này báo đáp mình. Nhưng bố mẹ không cần những đồng tiền bẩn thỉu mà chị đi cướp của người dân mang về cho mẹ chị. Em chắc một điều rằng, bố mẹ chị hi vọng chị có thể giúp được nhiều người hơn là chị đi nhận tiền đút lót. Và cũng giá mà, người dân khi đi khám không chen lấn vượt rào đút tiền bác sĩ để được khám trước thì cũng không thể có tình trạng bác sĩ ăn hối lộ được”.
Nikcname Mỹ Lan lại viết: “Đọc xong mấy dòng vừa dài vừa đầy tâm huyết của bác sĩ đầy "Y ĐỨC" mà cảm động rơi nước mắt... Vâng, chị cao cả vô cùng, nhưng chị đừng có nói mọi người là "ngu, thiểu năng"...".
Một thành viên mạng tên Domenico Dolce tự nhận là học cùng trường với Loan P. đã vào bình luận bóc mẽ: “Loan P. học lớp 2 mấy G ở ĐH Y Tôn Thất Tùng cùng trường mình. Em ấy học trình dược sĩ cơ mà sao lại nhảy lên thành bác sĩ lúc nào thế? Mọi người trong khoa hôm nay đã đọc hết về những lời nói bồng bột của em rồi. Sẽ ra sao nếu thầy cô biết em không như những gì mà Tâm lý/Đạo đức nghề nghiệp dạy cho em? Em đang mắc sai lầm lớn đó!”.
T.A

Bình luận(0)