Sáng 22/5, ngay sau khi tuyên thệ và phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch nước Tô Lâm đã trình Quốc hội phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng - An ninh với ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội.
Quốc hội bỏ phiếu kín phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh đối với ông Trần Thanh Mẫn.
Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh đối với ông Trần Thanh Mẫn bằng hình thức biểu quyết điện tử.
|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn |
Kết quả như sau, có 463 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,07% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 463 đại biểu tán thành (bằng 95,07% tổng số đại biểu Quốc hội).
Hội đồng Quốc phòng và An ninh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Danh sách thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh do Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn.
Theo quy định của Hiến pháp, Hội đồng Quốc phòng và An ninh có nhiệm vụ trình Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh, trường hợp Quốc hội không thể họp được thì trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định; động viên mọi lực lượng và khả năng của đất nước để bảo vệ Tổ quốc.
Hội đồng Quốc phòng và An ninh cũng thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt do Quốc hội giao trong trường hợp có chiến tranh; quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Hội đồng Quốc phòng và An ninh làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.
Hiến pháp 2013 quy định, Hội đồng Quốc phòng - An ninh gồm chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên. Danh sách thành viên Hội đồng Quốc phòng - An ninh do Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn. Hội đồng Quốc phòng - An ninh làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.
Cũng theo quy định tại Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh.
Ngoài Chủ tịch nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh hiện nay là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, 4 Ủy viên Hội đồng, gồm: Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an và Bộ trưởng Ngoại giao.
Trước đó, ngay trong ngày đầu tiên của kỳ họp thứ 7, ông Trần Thanh Mẫn đã được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ông Trần Thanh Mẫn sinh năm 1962, quê ở Hậu Giang, là Tiến sĩ Kinh tế, Cử nhân chính trị. Ông là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa X; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII và là đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV, XV.
Ông Trần Thanh Mẫn có nhiều năm hoạt động công tác Đoàn tại Hậu Giang, Cần Thơ.
Từ tháng 7/1994, ông Trần Thanh Mẫn làm Chánh văn phòng, sau đó lần lượt nắm giữ các vị trí Phó Chủ tịch, Chủ tịch Cần Thơ. Từ tháng 1/2011, ông Mẫn được bầu vào Trung ương Đảng khóa XI, giữ chức Bí thư Thành ủy Cần Thơ. Tháng 10/2015, ông được bầu làm Phó chủ tịch, rồi Phó chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sau đó, ông Mẫn giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vào năm 2018.
Tháng 4/2021, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, ông Trần Thanh Mẫn được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, sau đó được phân công làm Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.
Đầu tháng 5/2024, sau khi ông Vương Đình Huệ thôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV, ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành hoạt động của Quốc hội. Ngày 20/5, ông được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV.