ĐBQH: Sửa Luật Đất đai cần mở đường cho nguồn cung nhà ở

Google News

Dẫn thực tế người dân ở Hà Nội mất vài chục năm đi làm để mua được căn hộ chung cư, ĐB Hà Sỹ Đồng giữ nguyên quan điểm sửa Luật Đất đai cần mở đường cho nguồn cung nhà ở

Sáng 15/1, trong buổi làm việc đầu tiên của Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về một số nội dung mới hoặc còn có nhiều ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
DBQH: Sua Luat Dat dai can mo duong cho nguon cung nha o
  Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: TTX.
Nguồn cung nhà ở bị hạn chế bởi rất nhiều quy định vô lý
Tham gia ý kiến, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nêu ý kiến về đất làm dự án nhà ở thương mại.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho hay, về vấn đề này, đại biểu đã có ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và đến nay, đại biểu vẫn giữ nguyên quan điểm là sửa Luật Đất đai cần mở đường cho nguồn cung nhà ở.
Tại điểm b, khoản 3, Điều 122 có quy định: muốn chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại phải có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác. Quy định này đặt ra một hạn chế rất khó hiểu là phải có 1m2 đất ở trong diện tích đất dự án thì mới được làm, còn nếu không có mét vuông nào thì không được.
Đại biểu cho rằng: Việc phân biệt giữa hai trường hợp này là không cần thiết, không mang lại lợi ích công cộng nào, vì có thể đề phòng trường hợp doanh nghiệp gom đất nông nghiệp tràn lan để làm dự án, nên dự thảo luật đưa thêm điều kiện này để hạn chế.
Tuy nhiên, đây là biện pháp hạn chế ngẫu nhiên, không xuất phát từ lý lẽ hợp lý nào, như giải pháp chống ùn tắc giao thông cấm xe biển chẵn đi vào ngày lẻ và cấm xe biển lẻ đi vào ngày chẵn.
Đại biểu đề nghị, việc hạn chế doanh nghiệp “ôm” đất nông nghiệp rồi làm dự án tràn lan cần được xử lý bằng các công cụ về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; bằng việc định giá đất chính xác nhằm thu lại địa tô chênh lệch khi chuyển mục đích sử dụng đất.
Dự thảo Luật Đất đai lần này đã có các quy định rất chặt về các biện pháp này, vì thế mà việc duy trì một biện pháp hạn chế ngẫu nhiên như trên là không còn cần thiết.
Hơn nữa, nhu cầu nhà ở của Việt Nam đang rất lớn. Giá nhà ở thương mại luôn cao, người dân ở Hà Nội mất vài chục năm đi làm để mua được 1 căn hộ chung cư. Một trong những nguyên nhân là do nguồn cung nhà ở bị hạn chế bởi rất nhiều quy định vô lý. Trong đó có quy định phải có một mét vuông đất ở này.
"Việc bỏ quy định này là biện pháp để tăng cung về nhà ở, giúp giảm giá nhà, giúp người dân có cơ hội tốt hơn để có được nhà ở", đại biểu nêu ý kiến.
Đấu thầu xong mới làm đền bù sẽ không giải quyết căn cơ khiếu kiện
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho hay, tại kỳ họp thứ 6, ông đã có dịp tranh luận đến một số đại biểu về khái niệm địa tô chênh lệch. 
DBQH: Sua Luat Dat dai can mo duong cho nguon cung nha o-Hinh-2
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: QH.
Trong kinh tế chính trị có nêu rõ 2 loại địa tô chênh lệch. Địa tô chênh lệch 1 là do lợi thế của chính mảnh đất đó mang lại, còn địa tô chênh lệch 2 là được hình thành sau khi có đầu tư, thí dụ như đầu tư hạ tầng, đầu tư dịch vụ, đầu tư phân bón... làm cho nhà đầu tư hưởng thêm một khoản lợi nhuận siêu ngạch nữa.
Khi chính quyền thu hồi đất là thực hiện quyền sở hữu toàn dân nhưng đền bù cho người dân sử dụng đất theo giá thị trường tại thời điểm đó là đã chuyển toàn bộ lợi tức từ địa tô chênh lệch 1 cho người sử dụng, sau đó nếu tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì nhà đầu tư trúng thầu sẽ phải nộp tiền vào ngân sách nhà nước tại địa phương.
Về bản chất đấy là một phần ứng trước từ khoản lợi nhuận siêu ngạch do địa tô chênh lệch 2 mang lại. Như vậy Nhà nước đã khuyến khích cho kinh tế thị trường phát triển, đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch, đồng thời khẳng định quyền sở hữu toàn dân và định hướng phân phối thu nhập.
Người sử dụng đất được hưởng lợi tức từ địa tô chênh lệch 1, còn Nhà nước và nhà đầu tư thu lợi tức từ địa tô chênh lệch 2, đảm bảo thống nhất từ lý luận đến thực tiễn. Đây cũng chính là quan điểm nêu ngay ở phần đầu Nghị quyết 18 Trung ương năm 2022.
Do đó, đại biểu đề nghị tại Điều 126 phải xác định rõ từng bước quy trình đấu thầu. Trường hợp nhà đầu tư phải ứng trước khoản tiền chi trả đền bù như quy định tại khoản 8 điều này thì số tiền đấy phải được tính toán từ trước và thông báo công khai làm dữ liệu đầu vào cho tất cả các nhà đầu tư tham gia đấu thầu.
"Có như vậy mới tránh được khiếu kiện trong đấu thầu và trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Nếu quy định đấu thầu xong mới làm đền bù như nêu tại Điều 126 hiện nay thì vấn đề khiếu kiện đất sẽ không được giải quyết một cách căn cơ", đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị, tại Điều 139 về giải quyết đối với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật về đất đai trước ngày 01/7/2014 có thể thay từ "xem xét" bằng từ "được cấp", vì về mặt bản chất, tư duy thì luật phải rõ ràng, rõ nghĩa. Đây là điều khoản được luật hóa từ Điều 22, Điều 23 Nghị định 43. Qua thực tiễn thi hành có thể thấy đặc biệt các tỉnh Tây Nguyên ngưng trệ trong việc cấp đất, vì các địa phương quán e ngại, không có hướng dẫn thống nhất trong giải quyết vấn đề này.

Mời quý độc giả xem video đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) góp ý bên lề về Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)