ĐBQH: Luật Đất đai có thể thông qua được, một số điểm cần điều chỉnh

Google News

Các đại biểu cho rằng, có thể thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), nhưng vẫn còn một số điều cần phải điều chỉnh, đặc biệt là vấn đề thu hồi đất.

Có thể thông qua Luật đất đai (sửa đổi) nhưng cần điều chỉnh
Sáng 15/1, Quốc hội khóa 15 khai mạc kỳ họp bất thường để xem xét một số vấn đề cấp bách, trong đó có dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
DBQH: Luat Dat dai co the thong qua duoc, mot so diem can dieu chinh
 Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội).
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho hay, sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật đất đai còn rất nhiều phương án đưa ra để lựa chọn là 2 hoặc 3 phương án. Điều ấy thể hiện các đại biểu rất lắng nghe ý kiến nhân dân và đặt ra các vấn đề cần trao đổi.
Tuy nhiên, chỉ sau thời gian rất ngắn, từ Kỳ họp thứ 6 đến nay, tại dự thảo mới lần này, gần như những vấn đề đưa ra trước đây đang còn những quan điểm khác nhau đã được thống nhất. Điều ấy chứng tỏ có sự tiếp thu, lắng nghe, biết được chắt lọc đưa ra quyết định, đồng thời thể hiện sự thống nhất rất cao giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan trình chính phủ với cơ quan thẩm tra là Quốc hội.
Đại biểu Cường cho rằng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) về cơ bản có thể thông qua được nhưng một số điểm cần phải điều chỉnh.
Ví dụ, quy định về Nghị quyết 18 nhấn mạnh chủ yếu giao đất phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu. Hiện nay, trong Luật chúng ta đưa ra quyền của Hội đồng nhân dân các địa phương là đưa ra các tiêu chí xem dự án nào phải đấu giá đấu thầu, để điều tiết lợi ích, lợi tô và tạo môi trường cạnh tranh. Tuy nhiên, dự án đó phải do nhà nước thu hồi.
“Vì không lẽ gì chúng ta lại giao cho nhà đầu tư đấu thầu trúng sau khi trúng thầu lại thỏa thuận với người dân. Cho nên, điều kiện thu hồi đất phải bổ sung thêm”, ông Cường nói.
Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến tái định cư và bồi thường và hỗ trợ người đân có việc làm; điều kiện tthu hồi thêm đất tạo việc làm người dân, các tiêu chí để khu đô thị mới, khu tái định cư có điều kiện tốt hơn nơi ở cũ... cũng cần phải bổ sung thêm.
Đại biểu Cường kỳ vọng các đại biểu có sự đồng tâm, đóng góp ý kiến để Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua trong Kỳ họp bất thường này.
Điều chỉnh việc thông báo thu hồi đất treo lơ lửng
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua nghiên cứu dự thảo trình tại kỳ họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải quyết được nhiều các vấn đề lớn có ý kiến khác nhau tại Kỳ họp thứ 6, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích các bên trong quan hệ đất đai.
DBQH: Luat Dat dai co the thong qua duoc, mot so diem can dieu chinh-Hinh-2
 Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Mai Loan.
Góp ý về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bà Sương cho hay, tại Khoản 5, Điều 85 dự thảo quy định: Hiệu lực của thông báo thu hồi đất là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất. Trong thời gian này, tài sản gắn liền với đất được tạo lập không được bồi thường khi thu hồi đất (quy định tại khoản 2, Điều 105).
Sau thời hạn 12 tháng từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất mà chưa thu hồi đất thì quyền của người sử dụng đất cần được quy định cụ thể. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định hệ quả pháp lý sau hiệu lực thông báo thu hồi đất để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất.
“Luật hiện hành chưa quy định vấn đề này nên thực tế xảy ra vướng mắc, có nhiều dự án, cơ quan chức năng ra thông báo thu hồi đất nhưng việc bồi thường, di dời tái định cư chậm, kéo dài qua nhiều năm. Thông báo thu hồi đất treo lơ lửng, người dân không được xây dựng, tách thửa ... ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người có đất bị thu hồi”, bà Sương cho hay.
Về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bà Sương cho hay, tại điểm b, khoản 4, dự thảo quy định đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có trách nhiệm “Gửi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đến từng người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan".
Tuy nhiên, hồ sơ về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án thì rất nhiều, như vậy việc gửi đến cho từng từng người sẽ khó khăn, không hợp lý, gây lãng phí.
Do vậy, bà Sương đề nghị quy định niêm yết phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; chỉ gửi đến từng người nội dung liên quan.

Tại thông cáo ngày 13/1, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mới nhất gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp 6. Dựa trên ý kiến thảo luận và qua rà soát, các cơ quan đã thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện 18 nội dung đề cập về các vấn đề lớn và đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường này.

Mời quý độc giả xem video đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) nói về Luật Đất đai (sửa đổi). Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

 


Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)