ĐBQH: Đề nghị loại bỏ hoàn toàn sim rác, triệt phá cuộc gọi mạo danh

Google News

ĐBQH đề nghị chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, loại bỏ hoàn toàn sim rác, triệt phá các loại tội phạm trên không gian mạng, lừa đảo qua app...

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 21/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của TANDTC, Viện KSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023. Phát biểu tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về vấn đề vi phạm pháp luật trên an ninh mạng. 
DBQH: De nghi loai bo hoan toan sim rac, triet pha cuoc goi mao danh
 Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) nêu ý kiến về tội phạm trên không gian mạng. Ảnh: QH.
Tội phạm trên không gian mạng sẽ ngày càng gia tăng
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho hay, số lượng hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng Internet được phát hiện ngày càng gia tăng; vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn.
"Thời gian qua, chúng ta liên tục nghe các phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi lừa đảo trên không gian mạng và tôi tin rằng chính bản thân mỗi vị đại biểu ở đây cũng đã từng ít nhất 1 lần nhận những cuộc gọi lừa đảo hay tin nhắn rác", đại biểu Nguyễn Minh Tâm nói.
Đại biểu nhận định, thời gian tới, trong bối cảnh công nghệ số toàn cầu, các ứng dụng trên nền tảng số ngày càng phát triển, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng sẽ tiếp tục ngày càng gia tăng.
Để đảm bảo an toàn bảo mật thông tin của người dùng, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng.
"Cần chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, loại bỏ hoàn toàn sim rác. Đề nghị Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường triệt phá các loại tội phạm lừa đảo qua App, điển hình là những cuộc gọi mạo danh", đại biểu nêu ý kiến.
Thiếu quy định về phong tỏa tài sản khẩn cấp
Nêu ý kiến về tội phạm không gian mạng, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) nêu thực tế, hiện nay nhiều người dân trở thành nạn nhân bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng và ngay khi phát hiện đã trình báo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, do luật hiện hành chưa có quy định và chưa có hướng dẫn về việc phong tỏa tài khoản khẩn cấp.
DBQH: De nghi loai bo hoan toan sim rac, triet pha cuoc goi mao danh-Hinh-2
 Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn). Ảnh: QH.
Cụ thể, tại Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Phong tỏa tài sản chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ Luật Hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Phong tỏa tài sản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.
"Do đó, lực lượng chức năng không có cơ sở để ngăn chặn đối tượng lừa đảo tẩu tán số tiền vừa chiếm đoạt. Điều này gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của cơ quan chức năng và thiệt hại cho người dân", đại biểu nói.
Đồng quan điểm với ý kiến các đại biểu, đại biểu Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa) nhận định, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet; giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật đe dọa yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt vẫn còn diễn biến phức tạp.
Điều này không chỉ gây bất an trong dư luận về trật tự, an toàn xã hội mà còn thể hiện sự hạn chế trong công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh quyết liệt, trấn áp các loại tội phạm có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm soát đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng và có các giải pháp đột phá để xử lý nghiêm các hành vi nêu trên.

Xem xét sửa đổi Luật An ninh mạng

 Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, chúng ta cần một môi trường mạng lành mạnh, an toàn và văn minh. Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, tình hình vẫn chưa thực sự đáng yên tâm. Vẫn còn nhiều bạo lực mạng, lừa đảo, lan truyền tin giả. 

Theo Điều 30 Luật An ninh mạng, chúng ta đã có lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng. Trên thực tế, lực lượng này đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên cần thường xuyên rà soát môi trường thông tin trên mạng xã hội để nhắc nhở, cảnh cáo, có sự can thiệp phù hợp, để kịp thời xử lý một cách thích đáng các loại hình tội phạm trên không gian mạng. Đại biểu cũng cho rằng, có thể cần xem xét sửa đổi Luật An ninh mạng để phù hợp với nhiều bước phát triển mới của môi trường mạng xã hội cũng như sự biến tướng của các loại hình tội phạm trên môi trường này.

>>> Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trao đổi bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 6 với PV Tri thức và Cuộc sống về nguy cơ nếu giao cho Bộ GD&ĐT thực hiện thêm bộ sách giáo khoa:
 Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)