Thẩm phán cũng là... bị hại
Là người từng có nhiều năm tham gia công tác tố tụng, trực tiếp xét xử, không hiểu ông nhìn nhận chuyện án oan như thế nào?
Tôi là người luôn đau đáu về chuyện án oan, quan tâm tới nó ngót ba chục năm nay, từ thời tôi còn làm Trưởng phòng Nghiệp vụ của TAND Tối cao (hồi cuối những năm 80 của thế kỷ trước). Thời điểm đó đã có những vụ án tử hình không tội, chung thân không tội. Vậy nên, tôi quen rồi. Cũng phải công bằng mà nói rằng, chuyện oan sai trong xét xử thì bất kể nền tư pháp nào cũng thật khó tránh khỏi. Tuy nhiên, để đến mức những vụ việc như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén... không còn là cá biệt thì quả thực rất khó chấp nhận, khiến những người có lương tâm, trách nhiệm không khỏi suy nghĩ, day dứt.
Theo ông thì mấu chốt để xảy ra oan sai trong xét xử là ở đâu?
Trong quá trình công tác từ cuối những năm 80, tôi có cơ hội tiếp cận với nhiều vụ án, tìm hiểu thì nhận thấy rằng, vấn đề tiên quyết gây oan sai trong xét xử là khâu chứng cứ đầu vào không đảm bảo khách quan. Nghĩa là, anh điều tra viên không trung thực, đưa vào hồ sơ các chứng cứ tạo dựng thì các khâu sau đó (truy tố, xét xử) sai là điều đương nhiên.
Chứ không phải tại ông kiểm sát viên hay ông thẩm phán vì lý do gì đó mà khiến cho vụ án bị kết án oan sai?
Dĩ nhiên, họ cũng có trách nhiệm. Nhưng khâu đầu vào vẫn giữ vai trò quyết định.
Ông từng là thẩm phán và dĩ nhiên ông bảo vệ những đồng nghiệp của mình?
Tôi xin đơn cử như trường hợp thẩm phán - chủ tọa phiên tòa phúc thẩm là ông Phạm Tuấn Chiêm bị khởi tố vì để xảy ra oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Tôi có cơ hội tiếp cận, xem xét các chứng cứ mà điều tra viên đưa vào hồ sơ vụ án như biên bản khám nghiệm hiện trường, lời khai nhận của ông Chấn hoàn toàn trùng khớp với nhau. Ví dụ, hiện trường có vỏ chai bia, lưỡi dao... ông Chấn đều mô tả rất chi tiết, cụ thể. Tại Viện Kiểm sát tỉnh Bắc Giang, ông Chấn cũng nhận tội và khai rằng không bị ép cung, bức cung... Nếu tôi hoặc bất kỳ ai là thẩm phán của vụ này, khi đọc hồ sơ thì cũng hoàn toàn tin vào kết quả điều tra. Dẫn chứng ra đây để thấy rằng, nếu chứng cứ đưa vào mà không sạch do điều tra viên dàn dựng tinh vi thì việc oan sai là chuyện đương nhiên.
Nghĩa là, trong nhiều vụ án thì chính thẩm phán cũng trở thành bị hại?
Đúng vậy. Trường hợp như vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn là một ví dụ điển hình.
Có trường hợp nào mà thẩm phán cố tình kết tội trái với cáo trạng không, thưa ông?
Điều đó rất khó, vì thẩm phán dù có vì mục đích cá nhân mà bênh bị cáo thì cũng phải căn cứ vào những chứng cứ điều tra. Họ có thể áp dụng "linh hoạt" những tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng chứ chuyện không có tội mà kết tội hoặc ngược lại là rất khó.
|
Luật sư Chu Văn Vẻ, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. |
Có nhận thức được đâu mà chống oan sai!
Có lúc nào ông đặt câu hỏi là vì sao oan sai vẫn cứ xảy ra?
Tôi đã từng chỉ ra trong đề tài "Vấn đề quyền con người trong công tác xét xử sơ thẩm án hình sự", viết hồi những năm 1989 - 1991, sau người ta đổi lại thành "Nâng cao chất lượng công tác xét xử án hình sự, khắc phục tình trạng vi phạm quyền công dân", cả về nguyên nhân và giải pháp. Trong đó chỉ ra rằng khâu đầu vào không sạch thì không thể tránh khỏi oan sai. Thế nhưng, ít người chú ý đến quan điểm của tôi.
Phải chăng vì việc kiểm soát khâu đầu vào quá khó nên người ta đã không làm?
Đó còn là ở vấn đề nhận thức bởi khi không đánh giá đúng được nguyên nhân dẫn đến oan sai thì không giải quyết được tình hình đâu. Chúng ta có nhận thức đúng vấn đề đâu mà đòi chống oan sai? Cứ nhìn cái việc ra quyết định khởi tố ông thẩm phán khi để xảy ra oan sai là biết ngay mà.
Làm sao để kiểm soát được khâu chứng cứ đầu vào, thưa ông?
Nó có khó đâu. Nước ngoài người ta làm được thì tại sao ta không làm được! Có điều là cách vận hành bộ máy của chúng ta đang có vấn đề, khi mà cơ quan thanh tra kết quả điều tra lại trực thuộc chính Bộ Công an. Rồi trong nhiều trường hợp, anh điều tra viên và anh kiểm sát viên thông đồng cùng làm sai, như vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn. Như thế thì làm sao đảm bảo yếu tố khách quan trong việc thu thập chứng cứ. Thứ hai là do năng lực, trình độ của điều tra viên nhiều khi cũng có hạn; việc áp dụng thành tích trong điều tra, truy tố, xét xử cũng là nguyên nhân để xảy ra oan sai. Thêm nữa, ta vẫn chưa loại trừ được việc ép cung, mớm cung, dùng nhục hình; còn chưa coi trọng vai trò của luật sư. Tất cả những cái đó đang là rào cản để tiến tới một nền tư pháp thật sự công bằng, công minh và trong sạch.
Phải xem xét lại toàn bộ hồ sơ
Những vụ án như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén...; vụ án Lê Bá Mai kéo dài hơn chục năm vẫn chưa có kết quả xác đáng, hay vụ tử tù Hồ Duy Hải được hoãn tử hình vào phút chót... thì nên nhìn nhận nền tư pháp này như thế nào, thưa ông?
Đó là những vụ rất điển hình. Người dân có quyền nghi ngờ vào chất lượng của nền tư pháp.
Tôi là một người dân và thực sự tôi không thể hiểu nổi tại sao những người được đào tạo, được ngồi ở những vị trí thực thi công lý lại để xảy ra tình trạng như thế?
Sẽ có rất nhiều người chung nỗi bức xúc ấy. Trước đây, hình ảnh anh công an gần gũi lắm, thân thương lắm, dân nhìn vào là thấy yên tâm ngay. Vậy nhưng bây giờ thì thế nào? Họ có biết tự soi lại mình không? Chừng nào người dân nhìn công an, nhìn kiểm sát viên, thẩm phán mà không thấy gần gũi, không có cảm giác được bảo vệ, thiếu niềm tin vào công lý thì đừng mong hết chuyện oan sai.
Làm sao để lấy lại được hình ảnh tốt đẹp từ công an, kiểm sát viên, thẩm phán?
Muốn vậy, phải làm đồng bộ, lựa chọn được những người thực sự có năng lực, có tâm huyết, biết vì cái chung, vì xã hội. Trong đó, phải kiểm soát được việc điều tra của các điều tra viên bằng các biện pháp như có loại giấy ghi lời khai đặc chủng, có camera giám sát trong quá trình hỏi cung và phải tăng cường vai trò của luật sư - đây cũng là khâu then chốt. Khi khâu đầu vào chuẩn thì chắc chắn giảm oan sai, chứ để như hiện nay thì án oan chẳng có gì mà khó hiểu. Và tôi cho rằng, nó sẽ còn nhiều vụ oan sai nữa, có điều đã phát hiện ra hay chưa thôi.
Vậy bây giờ, với các vụ án như Lê Bá Mai, Hồ Duy Hải... thì theo ông, cần phải làm gì?
Theo tôi cần phải xem xét lại toàn bộ các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nhất là các chứng cứ ban đầu xem có gì mâu thuẫn, chưa ổn. Và bất cứ ai làm sai cũng đều phải bị nghiêm trị theo đúng pháp luật.
Trân trọng cảm ơn ông!
"Với mức lương hiện tại của tôi là 8 phẩy, tương đương hàm thứ trưởng, vậy nhưng thực sự cũng không thể mua được nhà, mua được xe ô tô đâu. Trong khi đó, nhiều người làm công tác tố tụng tuổi nghề còn rất trẻ mà đã đi ô tô, mua được nhà thì người dân hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi vào sự công minh của luật pháp. Dư luận vẫn có chuyện "chạy án" đấy thôi. Vậy nên, chuyện oan sai còn là vấn đề dài dài và phải làm rất nhiều thứ, chúng ta mới hy vọng nó giảm được".