PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, mỗi địa phương, thậm chí từng nhà trường,
giáo viên cần chủ động trong việc dạy học của mình sao cho phù hợp với tình hình thực tế, miễn sao đảm bảo chương trình của Bộ, đó mới là cái đích hướng tới của một chương trình, nhiều bộ
sách giáo khoa (SGK).
|
Ảnh minh họa. |
Phương án "Một chương trình, nhiều bộ SGK" là phương pháp đi cùng với xu hướng chung của thời đại, cách làm đó đã được nhiều quốc gia áp dụng, chứ không phải hoàn toàn là việc mới mẻ để phải tranh cãi.
Ở Việt Nam cũng đã từng có thời gian một chương trình hai bộ SGK. Nhưng trong thời điểm hiện nay, nếu Bộ GD&ĐT đứng ra tự tổ chức viết một bộ sách rồi tự thẩm định, như vậy chẳng khác nào "vừa đánh trống vừa thổi còi", đó là điều không hợp lý. Bởi lẽ, song song với đó là nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân khác tham gia viết sách phải tự túc kinh phí, ít nhất là đến khi được phê duyệt đề cương bộ SGK. Một người được cung cấp tiền để viết sách rồi thẩm định trong khi người khác viết mà không có tiền nong gì, cũng chưa chắc được duyệt sẽ gây ra hiện tượng bất bình đẳng.
Bộ chỉ nên là người đứng ra thẩm định, còn việc biên soạn sách giao cho Nhà Xuất bản Giáo dục tự vay tiền để thực hiện. Cũng giống như các đơn vị khác phải bỏ tiền túi ra làm sách thì sẽ có trách nhiệm với sản phẩm của mình hơn là việc Nhà nước bỏ tiền ra để viết sách. Tất nhiên, cũng cần có những yêu cầu với các đơn vị viết sách chứ không thể để tình trạng ai viết thì viết, điều đó sẽ gây rối loạn không đáng có.
Hơn nữa, không thể ngay lập tức yêu cầu viết lại tất cả sách của các bộ môn trong 12 lớp. Số lượng công việc vô cùng lớn và đòi hỏi thời gian, không thể gấp gáp. Nên làm từng phần, trước hết là có một đánh giá, xem xét cụ thể bộ SGK hiện hành, quyển nào cần phải sửa chữa, quyển nào cần phải bổ sung thêm thì làm. Với những quyển cấp thiết cần thay đổi ngay thì nên tiến hành làm luôn vẫn trên cơ sở thận trọng, không thể nhanh mà ẩu.
Không thể chờ đợi viết hẳn một bộ sách để thay thế cho tất cả những SGK hiện hành, Bộ cần xem xét lại quyển nào cần phải sửa chữa, quyển nào chỉ cần phải bổ sung thêm gì thì phải làm ngay vấn đề đó. Quyển nào thấy cấp thiết nhất thì làm trước, sau đó sẽ nghiên cứu hoàn thiện dần dần, cuối cùng sẽ có một bộ sách hoàn chỉnh.
Điều cần ghi nhớ là dù một hay nhiều bộ SGK thì chương trình mới là cái chủ yếu, còn SGK là thực tế minh họa cho chương trình đó. Mỗi địa phương, thậm chí từng nhà trường, giáo viên cần chủ động trong việc dạy học của mình sao cho phù hợp với tình hình thực tế, miễn sao đảm bảo chương trình của Bộ, đó mới là cái đích hướng tới của một chương trình, nhiều bộ SGK. Nếu vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào SGK, giáo viên chỉ nói những điều như sách viết thì dù có thay đổi, đổi mới gì cũng không có nhiều tác dụng.