|
Ảnh minh họa. |
Thời gian qua, không ít người bất bình về việc nhiều người có bằng đại học, thạc sĩ... nhưng thất nghiệp hoặc phải làm các công việc không liên quan đến chuyên môn đã học trước đó. Họ cho rằng, do xã hội không biết trọng người tài, có nhiều tiêu cực nên người có bằng cấp không có việc làm. Nhưng đây cũng là hậu quả của việc dạy kỹ năng cứng ở trường học, thiếu kỹ năng mềm để ra xã hội tìm kiếm việc làm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Thắng, người đạt bằng giỏi khi làm tiến sĩ về y tế công cộng tại Đại học Harvart (Mỹ) cho rằng, không nên trách cơ chế mà hãy trách bản thân người có bằng trước.
Ông chia sẻ, bản thân từng là một chuyên gia quốc tế, tham gia nhiều dự án xã hội học của nước ngoài nhưng thời điểm hiện tại ông không còn làm công tác chuyên môn. Bằng tiến sĩ Đại học Harvart chỉ cất ngăn kính, không giúp ích gì trong công việc hiện tại cũng như đam mê nghề nghiệp của mình. Bỏ qua ưu thế ban đầu, ông quay sang giảng dạy dưỡng sinh. Ông bảo, đây là điểm mạnh của mình, qua dưỡng sinh ông thấy được chính mình trong đó cũng như sự an lạc của cuộc đời. Thậm chí, đam mê này không chỉ đưa lại đời sống tinh thần mà còn cả kinh tế để nuôi sống gia đình.
Vì thế, theo ông Trịnh Thắng, bỏ qua việc làm trái nghề do những yếu tố như đam mê, sở thích, điều kiện kinh tế thì bàn luận về việc có bằng cấp nhưng thất nghiệp cần có cái nhìn rõ ràng hơn. Công việc như thế nào chỉ là một chặng đường bản thân đi qua. Vấn đề sau đó họ làm việc gì, có phù hợp với bản thân và đam mê mới là quan trọng. Việc làm là sự tổng hòa của nhiều yếu tố như môi trường sống, chính sách đãi ngộ, mong muốn của bản thân... Để dung hòa được mối quan hệ này ngoài bằng cấp là kỹ năng cứng thì cần kỹ năng mềm từ kinh nghiệm sống.
Trong thực tế, các trường chưa chú trọng dạy kỹ năng mềm cho học sinh dù có những giờ sinh hoạt chung, môn đạo đức, xã hội... Gia đình cũng chăm chăm hướng con về học vấn mà chưa chú trọng về dạy cách sống. Nhưng sâu xa hơn, bản thân người học cũng chưa thực sự tìm tòi, chắt lọc và đủ đam mê, sự quyết đoán. Vì thế, khi có bằng cấp nhưng bị thất nghiệp cần tự trách bản thân mình trước. Chính sách không hỗ trợ mình thì bản thân phải tạo ra "chính sách" riêng, phải biết xoay xở, tìm ra điểm mạnh mà phát triển.