Trà Ly là bút danh của ông Phan Trọng Cầu, sinh năm 1941, hiện ở 07/1, Bế Văn Đàn, Quy Nhơn, Bình Định.
Năm 1955 ông tập kết ra Bắc. Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn, trường
Đại học Sư phạm Hà Nội, ông dạy trường Dân tộc Nội trú Trung ương. Năm học 1967 - 1968 chiến tranh ác liệt, trường sơ tán sang Trung Quốc. Ở đây tiếng Trung học thời phổ thông giúp ông có thể giao lưu ít nhiều với người dân bản địa. Năm 1975, ông trở về Bình Định và nhận công tác ở một số cơ quan của tỉnh.
|
Bí quyết thành công của ông là chí tiến thủ, tinh thần khiêm tốn, say mê sáng tạo và vượt khó. |
Học tiếng Trung từ phổ thông, ông mày mò học thêm, viết thư giao dịch với bạn học Trung Quốc. Ông dịch truyện tranh liên hoàn của Trung Quốc. Lúc đầu dịch, ông đánh vật với từng con chữ. Nhưng với tính kiên trì, bền bỉ, tự học là chính, dần dần ông đã có thể sử dụng tiếng Trung để dịch văn học và đã có những thành công nhất định: Hàng chục tác phẩm được các NXB Kim Đồng, Văn học, NXB Trẻ in ấn; vài trăm truyện ngắn dịch, đăng ở nhiều tờ báo, tạp chí trên cả nước. Trong đó có một số rất có uy tín như Tạp chí Văn học nước ngoài, Báo Văn nghệ, Văn nghệ công an, Văn nghệ TPHCM, Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Qua công việc dịch thuật, thấy ở ông nổi lên nhiều phẩm chất tốt. Ngoài tư chất thông minh, có cảm quan nhạy bén với ngoại ngữ, có lẽ phẩm chất quan trọng nhất của ông để thành công là ý chí tiến thủ, tinh thần khiêm tốn, ham học hỏi, say mê sáng tạo và vượt khó (như khi ở miền Bắc trong hoàn cảnh ít sách vở, để học tiếng Anh, ông đã chép tay quyển từ điển Việt - Anh 300 trang của Lê Bá Công; Khi đã ở tuổi 70, bỏ ra 8 tháng để dịch tiểu thuyết Bạch Lộc Nguyên của Trần Trung Thực, Trung Quốc 1.200 trang. Ông cho biết, cái khó nhất khi dịch tiếng Trung là vốn từ ngữ, và cách tra từ điển một loại chữ tượng hình.
Không chỉ có vậy, còn tập quán ngôn ngữ của dân cư nói đến trong tác phẩm, rồi mỗi tác giả lại có phong cách riêng... Tất cả những đặc điểm đó phải được chuyển tải sang tiếng Việt một cách phù hợp với tâm lý của người Việt Nam. Ông đã có những thành công nhất định trong công việc tinh tế này, như đạt hai giải A và một giải B Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu của Bình Định (5 năm một lần) .
Để duy trì sức khoẻ, ông kết hợp giữa công việc và nghỉ ngơi. Buổi sáng, ông dịch, buổi chiều chơi cờ tướng với bạn bè hoặc ra công viên đi dạo, tối xem tivi, đọc báo. Ông sống lạc quan, yêu đời nên đã ngoài tuổi 70, trông ông vẫn phong độ, da dẻ hồng hào, tác phong nhanh nhẹn. Ông sống rất chân thành, thân thiện với mọi người. Gia đình ông luôn đầy ắp niềm vui hạnh phúc.
Với 20 năm miệt mài, trăn trở trên từng con chữ, Trà Ly đã trở thành một dịch giả có uy tín trong đội ngũ những người dịch văn học thế hệ sau.