Chuyện chạy quyền, chạy chức trước đến nay vốn nhức nhối. Người ta hạn chế nó bằng hình thức thi tuyển, nhưng lạ lùng là rất hiếm người đăng ký dự thi tuyển các chức danh lãnh đạo. Bằng chứng gần đây nhất là Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư pháp. Suốt nhiều tháng ròng thông báo về cuộc thi, thậm chí cả gia hạn thêm thời gian để có thêm người đăng ký nhưng cuối cùng, chỉ có 2 người đăng ký dự thi và bi hài ở chỗ hai người này vẫn là người của Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường than thở: "Phải chăng các vị trí đó không hấp dẫn? Phải chăng chúng tôi chưa quảng bá?".
TS Ngô Thành Can cho rằng, vì chưa có những chính sách để người ta thấy rằng thi tuyển là một trong những chính sách đồng bộ về dùng người tài, người giỏi và người giỏi thi được thì sẽ được ủng hộ, tạo điều kiện làm việc, nên người ta thờ ơ với việc thi, dù là thi tuyển lãnh đạo.
Không "chạy" mà được bổ nhiệm thì lạ lắm
Theo ông, vì sao lại có tình trạng này thưa ông?
Không có người đăng ký dự thi là bởi người trong ngành thì trình độ năng lực "vừa vừa", không dám thi. Thi mà trượt thì ngại. Người bên ngoài thì sợ đã cơ cấu trước rồi, thi chỉ mất thời gian mà thôi!
Ông nghĩ sao về trăn trở của Bộ trưởng Bộ Tư pháp?
Thói quen "chạy chọt" in quá sâu vào tâm thức người ta, không dễ gì bỏ đi ngay được. Bởi thế người ta chép miệng: "Thi làm gì cho mất công". Hiện tượng "chạy chức", chạy quyền" đã có từ lâu, và cái nguy hại là ở chỗ, người đã quen với tình trạng này, đến nỗi, nếu ở đâu đó không có tình trạng này mà vẫn có người được bổ nhiệm làm quan, thì người ta lấy làm lạ lắm. Giờ người ta còn bàn về việc thận trọng với việc có thể có "chạy luân chuyển". Nghĩa là bất kể cái gì cũng gắn với từ "chạy" được.
|
TS Ngô Thành Can, Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia. |
"Phen này khối đứa gay đây!"
Sự nghịch lý đó có điều gì bất thường thưa ông?
Trước đây tham nhũng là xấu xa, là bất thường, rồi người cũng quen đi, làm gì cũng phải "dúi tí tiền" mới xuôi. Chạy chọt lên chức, lúc đầu thấy lạ, nhiều người không làm được, rồi thấy đó là phong trào thì ai cũng làm thế cả, nó thành chuyện bình thường, không phải bất thường.
Vậy thì cái chuyện nghi ngờ, không tin tưởng vào sự minh bạch, ngay cả khi đã tổ chức thi tuyển, là bình thường?
Cái gọi là bất thường hay không là do quan niệm, nhiều khi thực tiễn hình thành nên. Dễ hiểu mà cũng khó hiểu. Dễ hiểu là thi tuyển minh bạch, công khai tốt quá. Nhưng người ta vẫn ngờ ngợ, nhỡ có "quân xanh, quân đỏ" thì sao. Nhỡ chỉ làm cho có chuyện, cho ra vẻ thôi thì sao? Nó giống như có chuyện, người có chức quyền "tố" việc chạy vào công chức không dưới 100 triệu đồng. Thiên hạ nghe mà giật mình thon thót "phen này khối đứa gay đây". Nhưng rồi không sao cả, làm gì có chuyện đó, chỉ là tin đồn thôi. Thế người tố, có mắc tội vu khống, đặt điều làm giảm uy tín cán bộ không. Rõ là cũng khó hiểu.
Theo ông thì cách thi tuyển hiện nay của ta có chọn được người có năng lực?
Tôi tin cách thi tuyển là hay, chọn được người khá hơn vào các vị trí. Tôi tin vì có những lần được nghe, được trao đổi với các anh lãnh đạo Sở Nội vụ ở Đà Nẵng như anh Đặng Công Ngữ (Giám đốc), anh Chế Viết Sơn (Phó Giám đốc). Tôi thấy họ tâm huyết, cách làm minh bạch, thuyết phục và họ có cả một hệ thống các chính sách khác đi kèm theo hỗ trợ. Thế nhưng, nếu đâu đó xuất hiện tình trạng bổ nhiệm trước khi thi, quy hoạch trước khi thi, thì chắc là người ta sẽ không nhiệt tình để tham dự kỳ thi đâu.
Phải loại bỏ ngay kẻ lợi dụng thi tuyển
Có người bảo, ôi dào, thi tuyển chỉ là cái màn che mắt thôi, thực chất cán bộ cơ cấu hết rồi. Phải chăng họ nghĩ cũng có lý?
Nhiều người chưa tin lắm, có thể vì việc thi được tổ chức thực hiện trong hệ thống hiện hành, nghĩa là cũng vẫn con người ấy làm thì có thể không khách quan. Thứ nữa là chưa có những chính sách để người ta thấy rằng thi tuyển là một trong những chính sách đồng bộ về dùng người tài, người giỏi và người giỏi thi được thì sẽ được ủng hộ, tạo điều kiện làm việc. Thứ ba, những người làm công tác thi tuyển nhân sự không phải là những người làm công tác nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Người có vị trí cao, chức to, chưa chắc là giỏi là chuyên gia trong thi tuyển nhân sự. Mà không phải chuyên gia mà lại có quyền thì hay "phán" và thường là tự tin một cách chắc chắn rằng mình giỏi.
Theo ông, có khi nào việc bổ nhiệm bố trí cán bộ đã được chốt trước rồi, thi tuyển chỉ là hình thức?
Trước đây, người ta hay nghe kể rằng đây đó có chuyện bầu đi bầu lại đến khi chọn được người phù hợp với yêu cầu của cấp nào đó mới thôi. Thế nên, nhiều khi người ta liên tưởng đến việc thi tuyển cũng giống như bầu bán đó. Nếu thi tuyển công khai, sòng phẳng thì chắc chắn sẽ tuyển được người phù hợp và dần thuyết phục dư luận. Nếu thi tuyển mà chỉ để làm "hàng" thì nguy hại khôn lường, nguy hại nhất là mất lòng tin.
Làm thế nào để thi tuyển sẽ thực sự khách quan, được đông đảo dư luận tin tưởng?
Muốn tạo được niềm tin trong công chúng thì phải làm tốt một cách minh bạch đến trong sáng, làm thật một cách nghiêm túc không vẩn đục và phải bỏ ngay những kẻ lợi dụng thi tuyển cho lợi ích riêng.
Ẩn mình thật sâu
Nếu giao cho ông triển khai việc thi tuyển lãnh đạo ra nhiều địa phương, ông sẽ làm gì?
Phải rà soát, đánh giá việc đã làm bấy lâu nay hay dở như thế nào. Chuẩn hóa quy trình, không thể mỗi nơi một kiểu. Đề xuất một hệ thống các chính sách liên quan cho đồng bộ, hỗ trợ nhau, như về sử dụng người có tài trong công vụ, thể hiện cụ thể tính cạnh tranh, vai trò của người đứng đầu, mối quan hệ của cấp chính quyền thi tuyển với những loại cơ quan liên quan. Chọn, tiến cử những người khá, xuất sắc để làm công tác thi tuyển.
Các nghiên cứu cho thấy rằng: Người tư duy bình thường chỉ nghĩ được bình thường, khó có ý tưởng hay để thi tuyển được những người hay. Cần phân biệt tính vị trí quyền lực với tính chuyên môn trong công tác thi tuyển, phân định rõ trong quy trình thi tuyển khi nào, chỗ nào cần người có chuyên môn quản trị nhân sự cao, chỗ nào cần vị trí chức vụ.
Có khi nào sau một thời gian dài tổ chức thi nhưng vì chẳng có ai dự thi nên lại quay trở lại bổ nhiệm?
Việc tổ chức thi lãnh đạo không phải là bắt buộc. Chưa có quy định nào bắt buộc cấp nào thì thi, cấp nào không. Nhiều nơi thấy cần thiết thì triển khai để đáp ứng nhu cầu của riêng nơi đó thôi. Mà ta cũng phải khẳng định là việc bổ nhiệm không phải là dở, mà cái dở ở chỗ người thực hiện thôi.
Ngay từ khi chúng ta manh nha việc thi tuyển,ông có nghĩ đến hiện trạng này?
Tôi không ngạc nhiên là bởi đã nghĩ đến. Trong cuộc sống có quá nhiều điều bất thường trở thành bình thường rồi.
Giả sử là một người có đủ điều kiện thi tuyển bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng, ông có tham dự không?
Chị hỏi câu này khó trả lời quá (cười). Khó ở chỗ, thực trạng xã hội của ta hiện nay có nhiều biến động khiến cho mọi người thận trọng trong suy nghĩ và hành động. Kiểu như người ta nói vui là theo phương châm: "Ẩn mình thật sâu, quyết không đi đầu, xuất hiện đúng lúc, chộp lấy thời cơ".
Xin cảm ơn ông!
Bộ Tư pháp cho biết, Bộ còn muốn thi tuyển hai chức danh nữa là thủ trưởng một đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án và trưởng phòng một đơn vị xây dựng pháp luật, nhưng 2 vị trí đó đều chỉ có 1 ứng cử viên, không đâu xa là người tại chỗ, nằm trong quy hoạch, nên cuối cùng vẫn bổ nhiệm theo quy trình thông thường.