An toàn trong… giả tạo

Google News

(Kiến Thức) - Theo TS Tâm lý Phạm Mạnh Hà, một trong những nguyên nhân ngại nói thẳng, nói thật của người Việt là bởi chúng ta không có văn hóa phản biện.

Ngại nói thẳng, nói thật là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Theo TS Tâm lý Phạm Mạnh Hà, một trong những nguyên nhân là bởi chúng ta không có văn hóa phản biện. Thường chỉ có lãnh đạo phê bình cấp dưới chứ không có chuyện ngược lại, nếu không sẽ bị coi là hỗn, “có ý đồ gì đây”. Còn cấp dưới thì “dĩ hòa vi quý” để có sự an toàn. Do vậy, nhiều người vẫn ảo tưởng về một sự an toàn trong giả tạo, điều này kìm hãm sự phát triển.
Văn hóa ủng hộ không nói thật
- Theo ông thì tại sao lời nói thẳng, nói thật về những hạn chế, khuyết điểm của mình, ngành mình phụ trách dường như luôn là một sự khó nghe, khó chấp nhận theo kiểu “sự thật mất lòng”?
- Cái này cần xét trên cả hai góc độ là văn hóa và tâm lý. Trước hết, văn hóa của chúng ta là “dĩ hòa vi quý”; trong cuộc sống đôi khi chúng ta được dạy rằng đừng để người khác phật lòng, phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”, rồi “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”... Như vậy, chính văn hóa ủng hộ cho việc không nói thẳng. Ở một khía cạnh nào đó thì đây là nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước, nó thể hiện sự tôn trọng giữa con người với nhau. Do vậy, thường khi ai đó mắc lỗi, chúng ta có góp ý thì phải cân nhắc để họ đỡ bị tổn thương, tránh nói thẳng.
Về mặt tâm lý, xét cho cùng thì không ai muốn bị người khác chỉ trích. Con người luôn có tâm lý phòng vệ. Khi có một mối đe dọa từ lời nói, hành động nào đó thì bao giờ người ta cũng có xu hướng phòng vệ rồi phản ứng. Việc nghe lời nói thật thường được gán cho cái tội rằng “à, hóa ra mày đang thù hằn gì với tao”... Do đó, lời nói thật thường bị thù ghét.
- Dường như, lời nói thẳng, nói thật thường đến từ những người thân thiết hoặc đã xác lập được mối quan hệ tình cảm nhất định, thưa ông?
- Đúng thế. Và nó cũng dễ dàng được chấp nhận hơn.
- Điều đó có gì bất thường?
- Quen rồi thì thấy nó bình thường, nhưng đó là một trong những đặc trưng cản trở sự phát triển chung. Người Việt Nam không có thói quen phản biện. Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tinh thần phê và tự phê, nhưng có lẽ đã lâu lắm rồi chúng ta quên mất nó, còn né tránh rất nhiều. Thường lãnh đạo phê bình cấp dưới chứ không có chuyện ngược lại, nếu không sẽ bị coi là hỗn, là “có ý đồ gì đây”. Còn cấp dưới thì “dĩ hòa vi quý” để có sự an toàn. Do đó, đôi khi người lãnh đạo không nghe được lời nói thật, lời khuyên ngăn. Họ cứ nghĩ đang sống trong hòa bình, nhưng đó là sự hòa bình giả tạo.
- Và xét ở góc độ nào đó thì những người lãnh đạo như thế thật đáng thương?
- Nếu coi việc người lãnh đạo chỉ nghe được những lời xu nịnh, những lời nói vô thưởng vô phạt là một sự đáng thương thì đúng là sẽ có nhiều người đấy. Nhưng cái này cũng là do chúng ta đã sống trong nền tảng văn hóa của sự ngại nói thật, tâm lý con người luôn có sự phòng vệ rồi nên việc đó cũng không có gì lạ.
An toan trong… gia tao
TS Tâm lý Phạm Mạnh Hà, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. 
Muốn nghe nói thật, hãy ra… quán bia
- Ông nói nhiều đến văn hóa, tâm lý. Nhưng thật khó để chấp nhận chuyện các nhà quản lý, lãnh đạo nói rằng vì văn hóa đất nước tôi nó thế nên tôi không muốn nghe ý kiến trái chiều!
- Thực ra, văn hóa và tâm lý là những yếu tố khách quan. Nó còn có vấn đề liên quan đến lợi ích, mà cái này ở ta thường gắn với vị trí. Người ta vất vả để có được vị trí nào đó thì họ sẽ phải tìm mọi cách để bảo vệ, ngăn chặn những thứ có thể làm tổn hại đến vị trí đó. Do vậy, đôi khi lời nói thẳng ảnh hưởng đến vị trí của họ nên họ phải ngăn chặn ngay từ đầu, vì thế người có nguy cơ nói thẳng, nói thật sẽ bị đào thải. Khi ấy, cán bộ muốn nghe lời nói thẳng, nói thật về mình, hãy cứ ra các quán bia, quán cà phê... Bởi bản chất ai cũng muốn đi tìm sự thật, nhưng sống trong vỏ bọc “dĩ hòa vi quý”, chờ đợi xã hội an toàn nhiều quá nên người ta không có sự bứt phá, không vượt được ra ngoài sự sợ hãi để nói thật.
- Và vì thế, trong nhiều trường hợp, người nói thẳng, nói thật bị coi là dại?
- Đúng vậy. Thực tế cũng đã chứng minh, chúng ta có quy định khen thưởng cho những người tố giác sai phạm, thế nhưng nhiều người sau khi tố giác thì có được sống yên ổn đâu!
Lời nói thật như chiếc phanh xe
- Cá nhân ông đã bao giờ bị nghe những lời chê chưa?
- Có chứ.
- Ông phản ứng thế nào?
- Dĩ nhiên, tâm lý con người thật khó để chấp nhận lời chê. Nhưng vấn đề là mình phải biết những lời chê ấy đúng, là sự góp ý thì cũng cần phải lắng nghe để kịp thời điều chỉnh, sửa chữa.
- Phải chăng vì ông là một nhà tâm lý và ông biết cách để lắng nghe những lời nói thẳng?
- Điều đó cũng có một phần. Quan trọng là người ta phải có ý thức để nghe được cả những điều nghịch tai kia.
- Ông có cho rằng mọi lời nói thẳng, nói thật đều tốt?
Nếu nói đúng lúc, đúng chỗ thì cực kỳ quan trọng. Đôi khi người lãnh đạo giống cỗ xe, sức mạnh của nó liên quan đến động cơ, động lực nhưng phụ thuộc vào phanh rất nhiều. Phanh cũng giống như lời nói thật, người ta sẽ biết dừng đúng lúc đúng chỗ.
Cần tạo ra nhu cầu nghe sự thật
- Với cá nhân ông, trước khi định nói một điều thẳng, thật, ông sẽ quan tâm tới những yếu tố gì?
- Tôi sẽ phải xem nếu nói ra lúc đó, nó có hiệu quả gì không, tức là phải chọn thời điểm thích hợp, phải đặt cái tâm lên trên hết.
- Nhưng không phải ai cũng đủ tinh ý để nhận ra được điều đó?
- Đúng. Bởi giáo dục của chúng ta chưa thực sự chú trọng đến việc giáo dục để chung sống, để hòa nhập mà mới chỉ quan tâm đến việc trang bị kiến thức. Do vậy, khi không được học cách ứng xử, cách phê bình trên cơ sở của lòng khoan dung, yêu thương, tôn trọng thì sẽ chẳng bao giờ người ta biết cách để nói thật, nói thẳng; hoặc nếu có nói thì không có sự nâng đỡ mà chỉ có sự chà đạp và nhận tai họa về mình.
- Theo ông thì giữa việc ngại nói thẳng, nói thật với những bất cập, yếu kém của một cơ quan, bộ ngành nào đó có mối liên quan không?
- Chắc chắn là có chứ. Nó cũng như việc đi khám bệnh, nếu bác sĩ không nói thẳng bệnh ra, còn bệnh nhân không dám kể thực bệnh tình của mình thì làm sao mà chữa khỏi!
- Vậy bây giờ, làm cách nào để khuyến khích được những lời nói thẳng, nói thật trong xã hội?
- Nó động chạm nhiều vấn đề. Trước hết, cần phải trang bị từ nhỏ để người ta biết nói thật, dám nói thật, tức là phải làm lại công tác giáo dục. Nhưng tôi đặc biệt chú trọng đến vai trò, trách nhiệm của những người làm công tác điều hành, quản lý xã hội. Họ phải được đào tạo, được giáo dục để nhận thức rằng phải đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết, tức là phải tạo ra nhu cầu biết lắng nghe sự thật. Khi đó, họ sẽ được nghe lời nói thẳng, nói thật chứ bây giờ, nhiều người chỉ thực sự nghe được nó khi cái ghế của họ lung lay thôi. Bên cạnh đó, pháp luật phải thực sự biết đứng về lẽ phải, bảo vệ lẽ phải thì cũng sẽ khuyến khích người ta dám nói thẳng, nói thật.
- Trân trọng cảm ơn ông!
“Một trong những lý do để người cán bộ ở đâu đó ngại nghe nói thẳng, nói thật là vì khâu tổ chức cán bộ mới chỉ chú trọng đến chuyên môn mà bỏ quên giá trị đạo đức. Đâu đó vẫn có chuyện chạy chức chạy quyền, đi lên bằng cái đầu gối chứ không phải bằng đầu thì vẫn sẽ còn những lãnh đạo không chịu lắng nghe, không biết lắng nghe”.
PV (thực hiện)

Bình luận(0)