Răng, hàm của trẻ phát triển lệch vì miếng gặm nướu

Google News

Việc cho trẻ dùng các đồ gặm nướu như vậy sẽ làm cho xương hàm phát triển mạnh, điều đó không hoàn toàn tốt cho trẻ.

- Chị Trần Minh Thúy (54 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) có con mới hơn 6 tháng tuổi, cháu bắt đầu mọc răng nên ngứa lợi, gặp cái gì cũng bỏ vào miệng gặm.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nghe giới thiệu về miếng gặm nướu giúp trẻ chống sâu răng và giúp giảm sưng đau lợi khi mọc răng, chị Thúy định mua cho con một miếng gặm nướu, nhưng trước vô số các loại đồ gặm nướu và cả gel bôi để giảm sưng đau lợi cho trẻ mọc răng, chị lại không thể quyết định được loại nào nên dùng cho con.

BS Nguyễn Tiến Trung, Phòng nha Tân Việt cho biết, các loại đồ chơi gặm nướu chỉ có tính chất thương mại chứ không hề có ý nghĩa về mặt khoa học. Không có chuyện nhai gặm các đồ vật làm kích thích tuyến nước bọt thì sẽ tránh được sâu răng.
 
Trẻ con khi gặp đồ vật gì cũng thường cho vào miệng gặm, đó là bản năng tự nhiên và bất cứ hoạt động gặm, nhai nào cũng làm tiết nước bọt. Hơn nữa, việc cho trẻ dùng các đồ gặm nướu như vậy sẽ làm cho xương hàm phát triển mạnh, điều đó không hoàn toàn tốt cho trẻ.

Các nhà khoa học khuyên rằng, khi trẻ bắt đầu có răng và biết nhai thì các bà mẹ nên cho con ăn đồ ăn có chất xơ, việc trẻ nhai thức ăn sẽ giúp xương hàm phát triển một cách tự nhiên.
 
Tuy nhiên, nếu kích thích quá nhiều bằng cách cho trẻ dùng miếng gặm nướu sẽ làm xương hàm phát triển mạnh trong khi kích thước răng là do di truyền từ cha hoặc mẹ nên không thay đổi, như vậy sẽ khiến răng và xương hàm phát triển không đều.

Khi trẻ bắt đầu mọc răng, nướu lợi thường bị ngứa do hiện tượng lành sẹo khi nứt lợi, thậm chí có thể gây sưng viêm, chỉ cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ vài ngày là đỡ. Các loại thuốc chống viêm và nhiễm trùng tại chỗ có thể có tác dụng nhưng không khuyến cáo dùng.
 
Chỉ những trường hợp bị viêm nhiễm nặng thì cần khám và có tư vấn, chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc, gel theo quảng cáo.
 
Lê Na

Bình luận(0)