Học Y kiểu Úc

Google News

Để học Y khoa tại Úc, sinh viên Y tương lai phải tốt nghiệp một trường đại học thuộc lĩnh vực khoa học sinh học, một số ít trường mới đây chấp nhận sinh viên là học sinh tốt nghiệp các trường trung học. Mỗi trường Y ở các bang khác nhau có những tiêu chuẩn khác nhau riêng cho từng trường.

Học Y tại Úc cũng mất nhiều thời gian so với các ngành học khác, kết thúc 4 năm học Y học cơ bản, sinh viên tiếp tục học nội trú trong 3 năm, sau đó học tiếp trong 2 đến 3 năm cho một chuyên ngành chọn lựa, nếu học chuyên ngành như Ngoại khoa thì thời gian có thể còn kéo dài hơn.
Tuy vất vả như vậy nhưng cạnh trạnh để trở thành sinh viên Y khoa rất cao, tuy nhiên bác sỹ cũng là một trong những nghề kiếm nhiều tiền nhất trong xã hội, cùng với Luật sư và những người làm trong lĩnh vực ngân hàng. Để học, để có những thành công như vậy, không thể không trải qua nhưng kỳ thi. Chắc ai cũng trải qua những kỳ thi với những tâm trạng lo lắng, căng thẳng, buồn bã, tiếc nuối, ân hận và niềm vui vỡ òa khi kỳ thi kết thúc thành công.
 Một góc trường đại học Sydney 
Trong thời gian nhận học bổng Hocmai tại Úc, vì bản thân là giảng viên và trong nguyện vọng đi học là được tìm hiều về đào tạo y khoa ở Úc nên tôi có bầy tỏ nguyện vọng được xem một buổi hỏi thi cho sinh viên Y khoa. Thật may mắn là yêu cầu đó được chấp nhận. Vì không đúng vào kỳ thi nội khoa nên tôi đành đồng ý xin dự kỳ thi hết học phần về sản khoa. Đây là một buổi hỏi thi về Sản phụ khoa cho đối tượng là sinh viên năm thứ 4, số lượng sinh viên cho kỳ hỏi thi này là 24 sinh viên, người hỏi thi là các giảng viên của khoa Y trường Đại học Sydney và các bác sỹ tham gia giảng dậy tại các bệnh viện trong thành phố. Hình thức thi là thi chạy trạm với 6 trạm khác nhau trong thời gian là 3h đồng hồ, có 20 phút nghỉ giữa giờ thi.
Dù đã đi sớm vì biết rằng trường Đại học Sydney rất rộng, đồng thời có bản đồ trong tay nhưng đi một lúc thì vẫn cứ bị lạc, giờ hỏi thi thì sắp đến, may mà tôi gặp được một cô y tá, cô ấy dẫn tôi đi qua những lối tắt như chạy ngang qua một vườn hoa, hay đi phía sau một ngôi nhà đang xây mà tôi có thể đến được đúng giờ. Tòa nhà hỏi thi nằm tại bệnh viện Alfed Royal Hospital ngay bên cạnh trường Sydney, nơi hỏi thi là một tòa nhà cổ, kiến trúc mái vòm và cửa kính màu có tên là “ Trung tâm đánh giá chất lượng đào tạo Y khoa”. Tôi được cô Krustin, phụ trách đào tạo giới thiệu với những người hỏi thi và mục đích cho sự có mặt của tôi trong ngày hôm nay. Mọi người đều vui vẻ đồng ý và cho phép tôi được ngồi quan sát buổi hỏi thi.
Nhóm sinh viên đứng ngoài hành lang cũng bắt đầu lục tục chuẩn bị vào thi, người đứng người ngồi, người vẫn cầm sách đọc rất chăm chú cố gắng thêm một vài chữ, có cậu người châu Á tươi cười chạy đi chạy lại như để giấu đi nỗi lo lắng. Người trợ lý cho kỳ thi đứng ở đầu hành lang, đọc một loạt 6 thí sinh cho lượt thi đầu, mỗi thí sinh vào một trong 6 phòng thi, tại mỗi cửa phòng thi có một tình huống lâm sàng được chuẩn bị trước đó. Sinh viên có 2 phút để chuẩn bị trước khi bước vào. Chuông reo, bắt đầu tình giờ.
Tôi được giới thiệu vào trạm thi thứ nhất. Trong phòng thi có một thầy giáo tầm 50 tuổi và một người đóng vai người bệnh. Bàn trải ga trắng, trên bàn có một lọ nước sát khuẩn, bút và giấy. Tôi chào, giới thiệu về mình cũng như mục đích mong muốn của tôi, cả hai rất niềm nở, chỉ ghế cho tôi ngồi, hỏi về tình hình y tế ở Việt Nam trong lúc chờ sinh viên vào phòng thi. Tình huống đầu tiên là một bệnh nhân nữ 30 tuổi, có thai lần đầu, bị thai lưu và cần phải thực hiện thủ thuật nạo bỏ thai. Thầy giáo hỏi thi là một Tiến sỹ, bác sỹ chuyên ngành sản phụ khoa, ông thầy cầm trong tay một tập bảng kiểm cho từng sinh viên. Một học viên sau đại học đóng vai bệnh nhân nữ, ngồi cũng phòng hỏi thi. Một người trợ giúp ở ngoài hướng dẫn sinh viên vào phòng hỏi thi, phía ngoài cửa có dán tờ giấy, trên đó có nội dung tình huống lâm sàng. Thầy giáo hỏi thi khẽ gật đầu chào, giới thiệu người hỏi thi, đây là người đóng vai bệnh nhân, và giới thiệu tôi là người quan sát. Sinh viên rất nhanh chóng nhập vai một bác sỹ nội trú, anh ta bắt đầu bằng việc chào bệnh nhân, giới thiệu tên mình, lý do bác sỹ chính có việc bận và do vậy anh ta có mặt ở đây để gặp người bệnh. “Sinh viên bác sỹ” bầy tỏ với bệnh nhân sự cảm thông cho tình huống khó khăn này, giải thích cho người bệnh điều gì đã xẩy ra, việc tiếp theo sẽ là gì, sẽ có những công việc gì được thực hiện, thủ thuật đó có nguy cơ gì cho người bệnh hay không….
Bệnh nhân lắng nghe, trả lời, thỉnh thoảng có thể hỏi thêm một số thông tin gì đó. Thầy giáo chấm thi ngồi quan sát, theo dõi, đánh vào bảng kiểm những thông tin mà sinh viên đã hỏi, không có những câu hỏi gì được đặt ra cho sinh viên. Chuông báo 1 phút trước khi hết giờ, sinh viên tự ước lượng thời gian còn lại. Kết thúc giờ thi, chuông báo, sinh viên dừng lại, cảm ơn và ra ngoài. Còn lại người chấm thi và bệnh nhân, người chấm thi sẽ căn cứ vào bảng checklist mà có phần kết luận ở đây là đạt hay không đạt.
Sang phòng thứ 2 là tình huống về nhi khoa, một trẻ sau sinh 3 ngày có biểu hiện nôn trớ liên tục. Hỏi thi phòng này là chuyên gia về nhi khoa, phòng thi này chỉ có thầy hỏi thi mà không có bệnh nhân.  Sinh viên vào phòng thi sẽ được đọc lại tình huống đó, sinh viên có thể hỏi thêm một số thông tin, người chấm thi sẽ cung cấp tùy theo câu hỏi mà có câu trả lời là số lần, số lượng, tính chất hay là câu trả lời có hay không. Người chấm thi sẽ hỏi bệnh lý gì mà sinh viên nghĩ đến nhiều nhất, các bước tiếp theo cần làm là gì? Có những tình huống được minh họa bằng hình ảnh. Sinh viên trả lời và câu hỏi sẽ được gi nhận, không thấy sự giải thích từ phía người chấm thi rằng câu trả lời đúng hay sai.  Vẫn là bảng kiểm cho những câu trả lời được ghi nhận. Mặc dù biết thế mạnh của thầy giáo này là rất giỏi về nghiên cứu khoa học và luôn có những thông tin mới nhất về y khoa nhưng không thấy thầy đưa ra những câu hỏi thuộc lĩnh vực “xuất sắc” của mình mà nội dung chỉ bám sát theo nội dung hỏi thi.
Sang bàn 3 là tình huống về một phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh với các triệu chứng nóng bừng mặt. Sinh viên bước vào, đóng vai bác sỹ, chào bệnh nhân, hỏi bệnh nhân về các triệu chứng, nói về liệu pháp hócmon thay thế, bản chất là gì, các yếu tố nguy cơ có thể xẩy ra cho người bệnh, người bệnh sẽ hỏi các câu hỏi liên quan đến các tác dụng phụ, nguy cơ khác và sinh viên sẽ phải tìm cách thuyết phục người bệnh qua các câu trả lời. Môt tình huống rất được ghi nhận và đánh giá cao đó là khi không trả lời được câu hỏi, anh ấy nói rằng tôi không biết và tôi không dám chắc là có thể trả lời chính xác được, người chấm thi và cả người bệnh đều nhận xét rằng cách anh ta trả lời người bệnh rất đúng mực và sau câu trả lời không biết, anh ta vẫn rất bình tĩnh không tỏ ra bối rối, lo lắng gì cả. Phải chăng đây cũng là một điểm khác biệt của Y học của các nước phát triển, bác sỹ thành thực với bệnh nhân, cung cấp tất cả những thông tin tốt nhất cho người bệnh, kể cả thông tin mình không biết.
Tạm nghỉ 15 phút giữa giờ thi, sinh viên ở đâu cũng giống nhau, ầm ĩ và nhanh tay nhanh mắt, cả nhóm chạy ra ngoài hành lang, thấy có khay bánh kẹo hoa quả, thế là mỗi đứa một miếng, cô Kurstin chạy ra cuống quít kêu lên rằng đây là đồ dành cho các thầy và người đóng vai bệnh nhân, vậy là một số bánh kẹo hoa quả chưa kịp chạy vào bụng mấy chú sinh viên được trả lại đúng vị trí một cách tiếc rẻ.
Trạm thứ 4 là tình huống một bệnh nhân có thai tháng thứ 6, xuất hiện cao huyết áp, protein niệu, sinh viên đóng vai thầy thuốc, hỏi bệnh, thực hiện các thao tác như đo huyết áp, bắt măch, người hỏi thi sẽ hỏi các câu hỏi liên quan và sinh viên trả lời. Cũng không thấy sự giải thích theo quan điểm của người hỏi thi mà chỉ là sự ghi nhận và làm rõ ý cho câu trả lời của sinh viên, vì là thi trạm thế nên thời gian bị hạn chế, một sinh viện vì vội hết giờ, chạy ra ngoài mà quên không nói cảm ơn và chào người bệnh, vậy mà người hỏi thi phải giải thích cho người bệnh đóng vai bệnh nhân lý do sinh viên đó vội vã và quên không cảm ơn và chào người bệnh., Mặc dù người bệnh tỏ ra hết sức thông cảm nhưng lỗi này vẫn được ghi nhận vào kết quả thi.
Trạm thứ 5 là tình huống giải thích cho người mẹ cách cho con bú, một bài lý thuyết về vai trò và tác dụng của sữa mẹ cho em bé và cho người mẹ. Có mô hình em bé và bà mẹ ôm em bé. Một sinh viên ghi những ý chính vào tờ giấy, cố tình để trên bàn để thỉnh thoáng liếc tơ giấy, ông giáo sư nhìn thấy, nhẹ nhàng úp tờ giấy xuống, cũng không có những câu hỏi mà vẫn chỉ là ghi nhận và checklist. Mỗi sinh viên ra, người chấm thi tham khảo ý kiến của người đóng vai bệnh nhân về những chi tiết liên quan tới nội dung thi hôm đó.
Trạm thứ 6 là thi viết, sinh viên bốc thăm ngẫu nhiên một câu hỏi lý thuyết, viết câu trả lời trong thời gian 15 phút.
Chuông reo hết giờ, tất cả cùng thở ra, những gương mặt giãn ra, thoáng chốc trở nên vui vẻ, chưa biết kết quả thi thế nào, cứ biết là thi xong đã, nói cười ríu rít, dù rằng không thể hiểu đầy đủ các bạn sinh viên nói gì với nhau nhưng cũng đoán được là “tớ đã nói cái này cái kia”, “tại sao lúc đó lại không nghĩ ra được nhỉ”, “đáng ra thì phải làm như thế này thế khác, không biết là có đạt hay không đạt.  Đã ra trường được 10 năm, lâu lắm không được hòa mình trong không khí một buổi hỏi thi, tôi cũng thấy vui lây cùng các bạn, tự nhiên thấy thân thiết lạ.
Kết thúc buổi hỏi thi 2, thấy cô Kurstin cũng đưa cho mỗi thầy giáo và người đóng vai bệnh nhân một chiếc phong bì nhỏ, đoán là tiền bồi dưỡng cho việc tham gia hỏi thi.
 Tác giả tại trường đại học Sydney 
Cảm nhận của tôi về buổi hỏi thi này là;  sự tự tin, chủ động của sinh viên trong cách tiếp xúc với người bệnh. Người bệnh có thể là người bệnh thật hoặc là nhân viên y tế đóng vai người bệnh, những người này được dặn trước tình huống mình, những yêu cầu cho vai của mình, và họ rất có ý thức giới hạn về điều đó. Người chấm thi đóng vai trò khách quan tối đa trong buổi chấm thi, có vẻ như chỉ là sự ghi nhận những gì sinh viên đã thẻ hiện được liên quan đến kiến thức, kỹ năng thái độ của nội dung thi hôm đó. Không có những câu hỏi theo kiểu “ cảm hứng” hay “ đánh đố” hay “chưa có câu trả lời chính xác”… , không có những câu giải thích lên lớp nhiều khi mang tính chủ quan, thiếu cập nhật từ phía người hỏi thi, hoặc lúc  dễ lúc khó tùy theo chủ quan người hỏi, về nội dung câu hỏi thi thì tôi còn được biết rằng, các câu hỏi thi không phải chỉ được chuẩn bị bởi giáo viên chuyên ngành, mà những câu hỏi đó còn được chuyển tới cho các giáo sư thuộc các chuyên ngành khác như nội hay ngoại khoa nhằm mục tiêu đánh giá xem câu hỏi thi đó có quá khó không, có đạt mức độ yêu cầu cho sinh viên đa khoa hay không.
Hỏi thi, hay lượng giá là một khâu không thể thiếu được trong quy trình đào tạo, nó phải gắn liền với mục tiêu khóa học và những gì sinh viên được học.  Tôi ước gì một ngày sinh viên Y khoa việt nam có thể tự tin như vậy, kết quả thi được đánh giá một cách khách quan nhất có thể và không còn phụ thuộc nhiều và thầy dễ hay khó….
Bs. Kim Cương
Theo SKĐS

Bình luận(0)