Theo các chuyên gia và giới quan sát quân sự nhận định, Y-20 - máy bay vận tải cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc tự phát triển đã đánh dấu một bước quan trọng trong chiến lược phát triển lực lượng không quân nước này.
“Một chiến lược hàng không đúng đắn phải đảm bảo có được một nguồn năng lực dự trữ tiềm tàng mạnh mẽ. Điều này có quan hệ rất lớn tới những chiếc máy bay cỡ lớn hay còn được gọi là máy bay không vận chiến lược,” Phó Tổng biên tập Tạp chí Aerospace Knowledge Wang Yanan nhận định.
“Trong lĩnh vực này, Không quân Trung Quốc vẫn còn bị tụt hậu nhưng với Y-20, họ đã tiến một bước dài và mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng chiến lược không quân của mình,” ông Wang nói thêm.
Theo ông Wang, bước đột phá trong công nghệ sản xuất máy bay quân sự cỡ lớn thật sự là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử ngành công nghiệp hàng không của Trung Quốc, đưa quân đội nước này thẳng tiến trên con đường hiện đại hóa trang bị.
|
Máy bay vận tải hạng nặng chiến lược Y-20. |
Ngày 26/1/2013, Trung Quốc đã tiến hành một chuyến bay thử với máy bay vận tải đa nhiệm cỡ lớn Y-20 trên hành trình dài.
“Chuyến bay thử nghiệm của chiếc Y-20 đầu tiên thành công là một bước tiến quan trọng đối với nền kinh tế và quốc phòng Trung Quốc, giúp Trung Quốc tăng cường khả năng phản ứng nhanh trong các trường hợp khẩn cấp và cứu trợ nhân đạo”, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Trung Quốc phát biểu sau cuộc thử nghiệm.
Khởi nguồn của Y-20
Chiếc máy bay “kềnh càng” trên được cho là do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Tây An (XAC) phát triển. Y-20 có phi hành đoàn 3 người, trọng lượng cất cánh tối đa 200 tấn, tải trọng lớn nhất 66 tấn, chiều dài 47m và sải cánh 50m.
Nguồn tin trên cũng cho hay, chiếc máy bay này được bắt đầu phát triển từ những năm 1990. Năm 2006, nó được liệt kê vào một trong các kế hoạch dài hạn của Trung Quốc.
Năm 2009, giới quân sự Trung Quốc úp mở với truyền thông rằng bản thiết kế của một máy bay quân sự 200 tấn đã được hoàn thành và chiếc đầu tiên bắt đầu sản xuất.
Những tấm ảnh đầu tiên về Y-20 xuất hiện trên các trang mạng quân sự của Trung Quốc vào ngày 24/12/2012 làm dấy lên những suy đoán rằng chiếc máy bay vận tải cỡ lớn này sẽ sớm có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên.
Ba ngày sau đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân xác nhận tại một cuộc họp báo rằng nước này đang phát triển một máy bay vận chuyển cỡ lớn nhằm cải tiến khả năng không vận quốc gia.
Y-20 là một dấu hiệu biến chuyển mạnh mẽ của Trung Quốc trong khả năng vận chuyển không lực đường dài, lĩnh vực mà Trung Quốc đã bị tụt hậu trong rất nhiều năm qua do sự kém phát triển của máy bay vận chuyển chiến lược trong nước.
Y-20 thay đổi bộ mặt Không quân Trung Quốc
Không quân Trung Quốc hiện nay có các phi đội vận tải sử dụng máy bay Y-7, Y-8 và các biến thể của nó là chính.
Y-7 được thiết kế và sản xuất dựa trên mẫu máy bay vận tải hạng nhẹ Antonov An-24 của Liên Xô cũ còn chiếc Y-8 được dựa trên vận tải cơ hạng trung Antonov An-12. Y-7 và Y-8 chủ yếu đáp ứng nhiệm vụ chiến thuật (chở quân, hàng hóa), không thể thực hiện nhiệm vụ chiến lược như chở xe tăng hay xe bọc thép.
Năm 2008, khi xảy ra thảm họa động đất ở phía Tây Nam Trung Quốc, kho máy bay Trung Quốc có khó loại nào đáp ứng yêu cầu và họ buổi phải dùng tới vận tải cơ hạng nặng Il-76 (mua của Nga) để thực thi nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo. Năm 2011, Trung Quốc cũng phải gửi 4 chiếc Il-76 đến Libya để cứu trợ các công dân bị mắc kẹt trong cuộc xung đột tại Libya.
“Những vụ việc trên đã chứng minh sự cần thiết của máy bay vận tải hạng nặng đường dài, đồng thời làm bẽ mặt Trung Quốc bởi nước này quá thiếu máy bay không vận chiến lược,” một chuyên gia quân sự nhận xét.
|
Máy bay vận tải Y-20 trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. |
“Mẫu Illyushin II-76 được Liên Xô phát triển từ những năm 1970 và đã quá cũ kỹ, lỗi thời so với công nghệ hiện nay nhưng Trung Quốc không có sự lựa chọn nào khác và vẫn tiếp tục phải đặt mua loại này này,” chuyên gia quân sự Peng Yu bình luận trên tờ Đại Công báo.
So sánh với mẫu máy bay của Nga, Y-20 có thông số kỹ thuật, công nghệ nhỉnh hơn Il-76, nhưng theo các phép so sánh về thiết kế khí động lực và những thiếu sót của kỹ thuật nội địa Trung Quốc thì Y-20 vẫn chưa có cửa để so tài cùng với mẫu Boeing C-17 Globemaster III (Mỹ).
Theo ông Peng, Y-20 không chỉ giúp cải thiện khả năng không vận của Trung Quốc mà còn là một bước tiến lớn trong việc phát triển nền tảng công nghiệp hàng không nội địa của Trung Quốc. Từ thành công của Y-20 tiến tới phát triển hệ thống cảnh báo sớm, tiếp nhiên liệu trên không và chế tạo các máy bay chống tàu ngầm.
“Nhiệm vụ chiến lược của Y-20 còn lớn hơn cả nhiệm vụ của máy bay chiến đấu J-20 và tàu sân bay”, ông Peng nói thêm.
Một chuyên gia quân sự đánh giá, với tải trọng 66 tấn, Y-20 có thể bay một hành trình dài 4.500km từ Trung Quốc đến các vùng xa xôi như Ai Cập. Và nếu có sự giúp sức của các máy bay tiếp nhiên liệu, nó có thể bay một hành trình 9.600km đến tận Angola ở miền Nam Châu Phi hay Australia.
“Lực lượng không quân của chúng ta cần ít nhất 100 máy bay không vận chiến lược như Y-20 vì nhiệm vụ chuyên chở các lữ đoàn vào chiến trường thường cần ít nhất 80 đến 100 chiếc máy bay vận chuyển cỡ lớn. Và nếu Trung Quốc có 300 chiếc Y-20, chúng ta sẽ đủ sức cạnh tranh với không quân Mỹ ”, Phó Tổng biên tập Tạp chí Aerospace Knowledge Wang Yanan nói.
Người Trung Quốc tự hào
Giáo sư Liang Fang (Đại học Quốc phòng Trung Quốc) cho rằng, ngoài ý nghĩa quân sự của mình, Y-20 còn đem đến nhiều lợi ích khác cho Trung Quốc.
“Cùng với việc mở rộng lợi ích quốc gia, máy bay vận tải hạng nặng Y-20 còn đảm bảo việc Trung Quốc có thể bảo vệ lợi ích của mình ở nước ngoài. Với Y-20, Trung Quốc có thể vận chuyển quân nhân hoặc các trang thiết bị lớn đến các điểm đến với khoảng cách lớn,” Giáo sư Liang Fang nói.
|
Y-20 sẽ làm mới "bộ mặt" không quân vận tải Trung Quốc. |
Ông Du Wenlong, chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc nhận xét: “Sự phát triển của máy bay vận tải hạng nặng - một thiết bị tiên tiến với những công nghệ hiện đại sẽ tạo đà phát triển cho nhiều lĩnh vực liên quan như khoa học vật liệu, nghiên cứu và sản xuất động cơ từ đó nâng cấp toàn bộ ngành hàng không của Trung Quốc”.
Bản thân người dân Trung Quốc cũng rất vui mừng về chuyến bay thử của Y-20.
“Tin tốt đã đến trong vòng 2 tháng qua. Đầu tiên, chúng ta được nghe về chuyến bay thử nghiệm của máy bay tàng hình J-31, chuyến cất cánh và hạ cánh J-15 trên Liêu Ninh và giờ là máy bay vận tải hạng nặng Y-20. Bây giờ điều chúng tôi quan tâm là khi nào Y-20 có thể sử dụng động cơ nội địa và đi vào phục vụ”, ông Qu Renming, một nhân viên văn phòng ở Bắc Kinh hồ hởi nói.
Phó Tổng biên tập Tạp chí Aerospace Knowledge Wang Yanan nói: “Tôi nghĩ chuyến bay thử nghiệm và các thí nghiệm khác với Y-20 sẽ cần khoảng 2 năm. Sau khi vượt qua các vòng kiểm tra, ít nhất 10 chiếc Y-20 sẽ được sản xuất mỗi năm”.
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN: