Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội đang bước vào giai đoạn căng thẳng, nghẹt thở khi theo điểm chuẩn vào lớp 10 trường THPT công lập không chuyên tại Hà Nội vừa được công bố, có đến 32000 thí sinh chính thức không có suất trong cuộc đua vào lớp 10 trường công ở Hà Nội.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do trong khi chỉ tiêu các trường công lập có hạn thì năm nay số thí sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội tăng đột biến đến 24.000 thí sinh nâng tổng số thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hơn 100.000 thí sinh.
Hơn 32.000 thí sinh trượt lớp 10 trường công THPT cũng đồng nghĩa với việc ngần ấy gia đình đang chạy vạy khắp nơi để lo chỗ học cho con đến mất ăn mất ngủ trong nhiều tâm trạng căng thẳng, chán chường, bực bội thất vọng.
Áp lực đến với các bậc phụ huynh do họ quá lo lắng cho tương lai của con em mình. Không ít phụ huynh muốn con vào các trường công có điểm số cao để có môi trường học tập tốt đã tự tạo áp lực cho mình khi sức học của con không đủ để đáp ứng những kỳ vọng.
Áp lực tự thân do các bậc phụ huynh khi họ tự đặt mình “trên đống lửa”, tự đặt con em mình vào những áp lực lớn lao. Bởi cuộc thi nào cũng có sự cạnh tranh, “học tài, thi phận” có đỗ thì sẽ có trượt tùy theo năng lực của mỗi em học sinh. Trong khi các bậc phụ huynh thậm chí không dành nhiều sự tin tưởng vào con em mình, sự kỳ vọng của họ đã đè nặng lên vai chính con em họ khi họ giữ tâm lý, học hết THCS là phải vào THPT, hết THPT là phải vào đại học và đương nhiên trong lộ trình ấy, không thể không vào lớp 10.
Minh chứng rõ ràng nhất, không ít những bậc phụ huynh do tâm lý nên đã nộp số tiền lớn để giữ chỗ cho con ở các trường ngoài công lập nhưng khi có kết quả thi, con họ đỗ vào trường công lập, họ lại chạy đôn chạy đáo đến các trường ngoài công lập để rút hồ sơ gốc kịp nộp vào các trường công đúng ngày 1/7 theo quy định.
Có mặt tại điểm trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), dù dưới trời nóng như đổ lửa, hàng trăm bậc phụ huynh với nhiều tâm trạng hướng ánh mắt về khu vực tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh. Nhiều người trong số họ đã òa khóc vì không nộp hồ sơ nhập học lớp 10 được cho con. Lúc này dù ngoài trời có nóng đến hơn 30 độ cũng không bằng tâm trạng lo lắng đang thiêu đốt trong lòng họ.
|
Điểm chuẩn cũng nhảy múa như sàn chứng khoán. |
Chính sự tự tạo áp lực lên bản thân và con cái, khi con em mình không thể đỗ vào các trường công lập, nhiều phụ huynh lại đội nắng đội mưa, thâu đêm suốt sáng lo lắng, chạy vạy cho con vào các trường ngoài công lập. Trong khi một số trường ngoài công lập, điểm chuẩn lại nhảy múa như thách thức các bậc phụ huynh kiểu sáng 30/6 là 46 nhưng chỉ đến đầu giờ chiều tăng lên 49 và đến sáng 1/7 đã tăng lên 50,5.
Vì đâu, cuộc thi vào lớp 10 THPT luôn đầy áp lực? Vì đâu chuyện học bây giờ không còn là “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” mà là sự hành hạ không chỉ đối với học sinh mà đối với cả các bậc phụ huynh khi mà thi cử làm cả đại gia đình mệt mỏi, căng thẳng kéo dài hàng tháng? Khi việc học tập không nhẹ nhàng và luôn song hành cùng những áp lực thi cử?
Đó chẳng phải do lối suy nghĩ con đường học tập bằng cấp là con đường duy nhất vào đời hay sao. Con em mình đã đi học thì phải học trường công, không đỗ thì chấp nhận sự tốn kém để cho con học ngoài công lập, trường tư chứ ít phụ huynh nào mong muốn con học ở trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường nghề. Lối suy nghĩ ấy vẫn còn tồn tại thì áp lực thi cử sẽ ngày càng tăng cao cũng là điều hiển nhiên.