Lãnh đạo Sở GDĐT TP.Cần Thơ cũng cho biết, không có bất kỳ quy định nào như vậy. Việc nhà trường kiểm tra đại trà, buộc nhiều HS phải về nhà thay quần là không nên và gây phản cảm.
Câu chuyện làm tôi nhớ cách đây hơn 30 năm, thuở còn học phổ thông. Sáng thứ 2 đầu tuần mỗi tháng, HS nam chúng tôi phải xếp hàng dọc riêng để thầy giáo đi ngắm từ đầu hàng đến cuối hàng, chọn một cái đầu tóc ngắn làm mẫu để học trò nào tóc dài phải về nhà cắt theo. Có mẫu được thầy chọn, tuy tóc ngắn “ba phân đều”, nhưng kiểu đầu sọ khỉ, rất khó coi, thật bụng không ai muốn làm theo.
Thuở đó quê tôi học trò nghèo, một bộ đồ đi học mặc “ba đời anh em”. Chuyện tóc ngắn dài, có khi còn phụ thuộc túi tiền của cha mẹ. Có đứa, để thầy giáo không phát hiện tóc dài, sáng sớm đã nhúng đầu vô nước cho tóc ướt, gọn gàng hơn. Trong trường thì vậy, ngoài đường, thanh niên để tóc dài bị giữ lại, buộc cắt tóc ngắn. Người mặc quần óng loe, bị phạt rọc ống quần. Những cách làm ấu trĩ đó đã không còn tồn tại mấy mươi năm qua. Vì vậy, chuyện một trường qui định “chi tiết”, ống quần chỉ được rộng 18 - 20cm, rồi đuổi HS “vi phạm” thành “chuyện lạ”, thu hút quan tâm của nhiều người cũng phải.
|
Hình ảnh mang tính minh họa.
|
Có phụ huynh cho rằng “chỉ cần quy định đồng phục, quần sậm, áo trắng là chuẩn, cần gì phải đo ống quần cỡ nào. Mặc quần ống rộng, hẹp có quan trọng gì đâu, miễn HS thấy thích, tự tin là được”. Không biết nhà trường có thấy được?
Môi trường giáo dục văn minh, lịch sự không thể chấp nhận kiểu ăn mặc lố lăng. Kỷ cương, kỷ luật trong nhà trường là cần thiết để rèn luyện ý thức, giáo dục đạo đức cho HS. Sự lo ngại một bộ phận giới trẻ đang lệch lạc trong suy nghĩ và hành vi qua các biểu hiện sinh hoạt, trang phục, kiểu tóc nhố nhăng là có cơ sở. Nhưng giáo dục đạo đức, thẩm mỹ cho giới trẻ không thể là sự áp đặt, rao giảng hay ép buộc mà cần trang bị cho các em năng lực tự điều chỉnh bản thân khi đối mặt trước xã hội bên ngoài bộn bề, phức tạp.
Những học trò “khuôn mẫu - ống quần 20cm” ngày hôm nay được nhào nặn, có thể là công dân máy móc của tương lai. Nó cũng đáng sợ không kém sự lệch lạc. Tư duy giáo dục không nằm trong “cái quần ống túm”!