Thanh niên vỗ mông cô gái giữa đường phố HN: Có phạm tội dâm ô?

Google News

(Kiến Thức) - Luật sư cho rằng, việc CSGT thả hai đối tượng bị tố vỗ mông cô gái giữa đường phố Hà Nội là đúng bởi việc dùng tay sờ mông không được xem là hành vi dâm ô nên CSGT không thể xử lý là bắt lại.

Thời gian gần đây dư luận có nhiều ý kiến trước vụ việc hai cô gái gay gắt tố thanh niên đi trên xe máy vỗ mông một cô gái tại ngã tư đê La Thành – Hào Nam, quận Đống Đa, TP Hà Nội vào khoảng 19h45 tối ngày 20/4. Vụ việc trên đã được người dân quay lại clip và đăng tải trên mạng xã hội. Đáng chú ý, thời điểm xảy ra sự việc, hai cô gái cho biết sau khi bị vỗ mông đa dừng xe và bức xúc yêu cầu 2 thanh niên xin lỗi đồng thời gọi CSGT đang làm nhiệm vụ gần đó chứng kiến sự việc. Tuy nhiên CSGT không có phản ứng gì rõ ràng. Nhiều người cho rằng sự việc lẽ ra phải được xử lý nghiêm khắc hơn để ngừa những hành vi sàm sỡ phụ nữ trên đường phố.
Trung tá Lê Tú – Đội Trưởng Đội CSGT số 3 - Phòng CSGT Công an TP Hà Nội xác nhận vụ việc nêu trên và cho biết: “Khi đó, chiến sĩ CSGT của đơn vị đang làm nhiệm vụ phát hiện khu vực nêu trên có biểu hiện ách tắc giao thông nên tới can thiệp. Thời điểm chiến sĩ CSGT của đơn vị tới nơi thì 2 nam thanh niên này nói là trêu đùa và xin lỗi 2 cô gái. Xin lỗi xong, 2 nam thanh niên còn theo 2 cô gái đi tiếp như không có chuyện gì xảy ra”. Đồng thời, Trung tá Tú khẳng định, tại hiện trường, chiến sĩ CSGT không phát hiện hành động của 2 nam thanh niên vỗ mông cô gái mà chỉ nghe hai cô gái nói lại.
Thanh nien vo mong co gai giua duong pho HN: Co pham toi dam o?
 Hình ảnh clip ghi lại vụ việc cô gái bức xúc tố 2 thanh niên vỗ mông và yêu cầu xin lỗi.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, có thể thấy trong sự việc này CSGT đã hành xử đúng bởi việc dùng tay sờ mông không được xem là hành vi dâm ô nên CSGT không thể xử lý là bắt tội phạm lại. Do vậy, khi hai cô gái yêu cầu xin lỗi công khai và việc này cũng đã được thực hiện nên CSGT không thể xử lý.
Theo Luật sư Bình, thời gian gần đây, xảy ra một số vụ việc mà đối tượng vi phạm đã xâm phạm trực tiếp đến thân thể, danh dự của người khác bằng lời nói, hành động. Dù hành vi của các đối tượng rất rõ ràng, nhưng do pháp luật hình sự chưa có quy định về tội dâm ô, tội quấy rối tình dục nên kẻ thì được “thoát tội”, kẻ chỉ bị xử phạt vài trăm nghìn đồng, khiến dư luận bất bình.
“Theo quy định của pháp luật, cụ thể tại “Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục“ (số 329 - HS2 ngày 11/5/1967 của TAND tối cao), tội dâm ô được hướng dẫn như sau: “Dâm ô tức là có hành vi bỉ ổi đối với người khác, tuy không phải là hành vi giao cấu nhưng cũng nhằm thoả mãn tình dục của mình hoặc khêu gợi bản năng tình dục của người đó (ví dụ như: dùng tay sờ mó hoặc kích thích bộ phận sinh dục, tác động dương vật vào những chỗ khác trong thân thể người phụ nữ ngoài bộ phận sinh dục hoặc chỉ quệt bên ngoài bộ phận sinh dục không có ý định ấn vào trong, ấn dương vật vào sau quần, cho xuất tinh vào sau quần, bắt nạn nhân sờ mó bộ phận sinh dục của mình…Như vậy có thể thấy dâm ô phải có sự tác động vào cơ quan sinh dục của nam hoặc nữ để thỏa mãn mà không nhằm mục đích giao cấu”, Luật sư Bình nói.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, Bộ Luật hình sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 các tội xâm phạm tình dục được quy định tại các Điều 141: Tội hiếp dâm; Điều 142: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Điều 143: Tội cưỡng dâm; Điều 144: Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 145: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 146: Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; Điều 147: Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.
“Như vậy, có thể thấy pháp luật hình sự không có tội dâm ô với người trên 16 tuổi do đó những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác. Có thể thấy, pháp luật hình sự của Việt Nam đang có một “lỗ hổng” đối với việc bảo vệ quyền bất khả xâm phạm thân thể, bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người, đã được pháp luật Việt Nam quy định tại Hiến pháp và nhiều văn bản Luật. Vì vậy, để bảo vệ những quyền này của người dân, Bộ luật Hình sự cần bổ sung ngay các tội Dâm ô và Quấy rối tình dục”, Luật sư Bình nêu ý kiến.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)