Ở quê tôi, cữ tháng mười một ta, tiết trời rét lắm. Vụ mùa vừa thu hoạch xong, ngoài đồng ruộng chỉ còn trơ những gốc rạ. Trong cái gió mùa đông hun hút, chỉ có bọn trẻ chăn bò và thỉnh thoảng bắt gặp vài người đi bắt ốc, mò cua ở những chân ruộng trũng.
Thời điểm này cũng đã bắt đầu mùa thu hoạch mía. Bãi mía trải rộng bên tả ngạn sông Lam. Ngày nào cũng tấp nập người đi chặt mía, kìn kìn gánh mía trên vai leo qua bờ đê về sân kho hợp tác. Che kẹo mía chạy ù ù suốt ngày đêm nghe thật vui tai. Những chảo mật vàng sậm, sôi sùng sục, mùi mật mía thơm ngào ngạt tỏa khắp làng trên xóm dưới. Mùa nấu mật cũng là mùa đậu ve sắp sửa thu hoạch. Những trái đậu nầy nẫy, hạt to tròn, trắng bóc. Trẻ con đi cắt cỏ hoặc chăn bò, chiều về thế nào trong túi áo cũng ních đầy những hạt đậu hái trộm ở ngoài bãi. Chúng kiếm những que nứa chẻ nhỏ, xiên ngang hạt đậu kết thành từng xâu, nhúng vào chảo mật đang sôi, thế là được một món “kẹo” độc nhất vô nhị.
Ở ngã ba, ngã tư đường làng và trong những gian nhà kho bỏ trống, bọn trẻ bắt đầu chơi trò đánh đáo ăn tiền.
Đó là những dấu hiệu cho thấy Tết đang đến gần.
Tết quê tôi không có hội. Các cụ bảo ngày xưa thì có đấy. Nhưng bây giờ đình chùa phá hết cả rồi, gạch ngói thì để xây trụ sở hợp tác xã còn gỗ thì làm hầm chữ A tránh bom đạn Mỹ. Không còn đình chùa, hội làng cũng mất. Năm nảo cũng như năm nào, ngày Tết chỉ mấy trò dân dã như đánh đu, cờ người, cờ thẻ, xôm nữa thì diễn tích tuồng Trưng Trắc, Trưng Nhị. Một lần xem vở diễn này ở sân kho hợp tác, tôi cứ nhớ mãi cái chi tiết bố tôi trong vai hề cùng ông Chung Hân, kéo cái quần lụa thùng thình mà vỗ đùi đánh “đét” một cái rồi ca : “Nghĩ đùi mà ngán cho đùi, chơ đùi người ta thì trắng, còn đùi mình thì đen thụi thùi thui !” Mới đó mà các cụ diễn viên nông dân ngày ấy, có người đã thành thiên cổ rồi.
Tết đối với bọn trẻ, mong chờ ngóng đợi không chỉ để được ăn ngon, mặc đẹp mà còn được chơi đáo thỏa thích.
|
Ảnh minh họa. |
Ngày ấy, đồng tiền còn có giá. Chi tiêu hằng ngày, người ta tính bằng xu, bằng hào. Cho nên, mỗi ván đáo người chơi chung vào cũng chỉ tính bằng xu. Chơi ván 5 xu là oách lắm rồi. Nhưng trẻ con ở thôn quê kiếm đâu ra tiền. Thế mà lại có cách đấy: Tiền cổ. Ngày ấy, chẳng hiểu tiền cổ ở đâu ra mà nhiều thế. Có khi cuốc xới ngoài vườn cũng nhặt được tiền. Mẹ tôi bảo đất ấy ngày xưa của địa chủ, họ chôn tiền cất giấu hồi cải cách đấy. Thế là bọn trẻ bỗng dưng trở thành những nhà “buôn” tiền cổ ít tuổi nhất thế giới.
Tôi thuộc hạng kém cỏi, có khi chơi cả ngày, chẳng lời được xu nào mà mấy đồng tiền cổ cóp nhặt được rồi cả mấy hào người lớn lì xì cho cũng bay vèo. Xóm tôi có mấy tay chơi cự phách như anh em Đường Trường, Mai Ới, … Con xu nằm ở vị trí hiểm hóc nào cũng xoáy chì cái vào ăn cho bằng được. Thật là diệu nghệ! Nghề chơi cũng lắm công phu. Có người còn trau nghề đến mức, đặt thợ rèn đúc cho một con chì cái thật độc đáo, một mặt phẳng, một mặt khum, cạnh sắc mỏng, đủ nặng để mỗi lần đáo cắm vào đất dính như nhựa hoặc ném biều cứ như là có phép màu. Thấy mà mê.
Ôi! Tết quê của một thời thơ ấu, bình dị biết bao. Cho dù là cái trò chơi ăn tiền nhưng sao mà vẫn thấy vô tư, cái vô tư của con trẻ chứ không phải máu me, sát phạt theo kiểu cờ bạc như bây giờ. Ra Giêng, hết Tết, chẳng còn ai chơi. Lại đợi tết sang năm. Với tôi, chẳng bao giờ còn được thấy những cái Tết như thế nữa.
Bây giờ, mỗi lần Tết đến, việc mà tôi lo nhất là gói bánh chưng, để đêm ba mươi, ngồi canh bếp lửa, được nghe âm thanh nồi bánh sôi sùng sục cùng hương vị độc đáo của nó quyện với mùi khói bếp cay nồng mà mỗi năm chỉ có một lần. Đó là hương vị cổ truyền của quê hương xứ sở mà tôi muốn níu giữ để các con tôi giữa bộn bề cuộc sống thời “a còng” còn hình dung được Tết là thế đấy!.