Tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu kịch trần lên 4.000 đồng/lít, dầu lên lên mức trần 2.000 đồng/lít. Đó là một trong những nội dung vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính ký gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Với mức tăng trên, Bộ Tài chính dự kiến số thu ngân sách mỗi năm từ thuế xăng dầu sẽ đạt khoảng trên 55.000 tỷ đồng, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng.
Dù Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu sẽ “động viên hợp lý đóng góp của xã hội vào Ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường”.
Chưa bàn đến việc tăng thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu là do thu ngân sách giảm, tăng thuế môi trường nhưng thực chất là không chi cho môi trường hay lý do được cho là giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và châu Á. Chỉ xét ở góc độ việc tăng thuế với mặt hàng xăng dầu sẽ tác động lớn đến chỉ số về tiêu dùng thực tế của hộ gia đình, phúc lợi xã hội và lạm phát, mang lại nhiều hệ lụy cho xã hội còn lớn hơn số tiền ngân sách thu về từ việc tăng thuế này cũng nhiều chuyện đáng bàn.
|
Ảnh minh họa. |
Trên thực tế, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là yếu tố đầu vào của nền kinh tế. Thế nhưng giá xăng dầu hiện nay phải cõng quá nhiều loại thuế, phí như thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn...khiến giá xăng tăng cao. Giá xăng tăng cao sẽ tác động mạnh đến mọi mặt hàng sản xuất và tiêu dùng, ảnh hưởng đời sống người dân.
Việc tăng giá xăng dầu do tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động trực tiếp đến người nghèo, người có thu nhập thấp do họ có nhu cầu đi lại cao hơn và chưa có phương tiện nào thích hợp để thay thế. Cùng với đó, mức thu nhập bình quân của người dân hiện nay vẫn là mức trung bình thấp của thế giới, việc giá hàng hóa tăng lên trong khi thu nhập người dân không tăng sẽ đẩy họ vào cuộc sống nhiều khó khăn hơn.
Đặc biệt, với ngành kinh tế, giá xăng dầu tăng sẽ đẩy chi phí vận tải, hàng hóa tăng cao, tác động đến sự cạnh tranh của doanh nghiệp trong khi khả năng cạnh tranh của họ còn rất yếu. Nhất là những doanh nghiệp vận tải, họ đã phải gánh quá nhiều chi phí như phí bảo trì đường bộ, phí BOT... Do vậy, nếu tăng giá xăng dầu, để tự cứu lấy mình, doanh nghiệp vận tải chắc chắn sẽ buộc phải “nước nổi, bèo nổi” mà đánh vào giá cước vận tải thu số chi phí tăng lên do tăng thuế từ các đối tượng sử dụng dịch vụ vận tải. Đẩy giá thành hàng hóa tăng cao, tất nhiên, tất cả những hệ lụy cuối cùng đều chính những người dân phải chịu.
Nhiều ý kiến còn quan ngại việc giá xăng dầu tăng sẽ gây ảnh hưởng nhất định tới nền kinh tế, đặc biệt là chỉ số CPI.
Hơn nữa, năm 2018, mục tiêu đặt ra là lạm phát dưới 4%. Nhận định sức ép lạm phát năm nay sẽ lớn hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu tất cả các cấp, các ngành, các địa phương phải chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, cố gắng năm nay không tăng thuế và phí. Do vậy, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng cũng cần phải cân nhắc kỹ, tránh tình trạng đẩy lạm phát tăng cao.
Bộ Tài chính dự kiến số thu ngân sách mỗi năm từ thuế xăng dầu sẽ đạt khoảng trên 55.000 tỷ đồng, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng nhưng thực chất số tiền trên được “móc” ra từ chính người dân, doanh nghiệp vận tải. Dư luận đặt ra câu hỏi, tăng ngân sách khi đẩy cuộc sống người dân vào khó khăn thì có nên?
Khi người dân chưa thấy những sự minh bạch về những khoản thu trên được chi phí cho vấn đề bảo vệ môi trường dù việc thu phí môi trường đã thực hiện từ lâu nhưng thực tế môi trường vẫn bị ô nhiễm và người dân vẫn phải là người gánh chịu sự ô nhiễm ấy, cùng với việc cuộc sống khó khăn hơn khi phải tiếp tục đóng thuế bảo vệ môi trường với giá cao. Những điều ấy thôi cũng dễ khiến người dân bức xúc, không đồng thuận.