Có mặt tại hiện trường sự cố vỡ đê Hữu Hồng những ngày đầu tháng 9, PV Tri thức và Cuộc sống ghi nhận phía chân đê dù đã được gia cố lại bằng đá kèm lưới thép, nhưng phía bờ mặt đê chỉ được trát nhựa đường sơ sài, xuất hiện nhiều vết thủng lỗ chỗ, mưa là nước ngấm hẳn vào thân đê.
Một mặt khác, dọc tuyến đường (2 lần đi khảo sát vào ngày 9/9 và ngày 13/9/2021), chúng tôi không hề nhìn thấy bóng dáng của lực lượng chức năng cũng như các chốt canh gác được lập ra theo sự chỉ đạo của huyện Đan Phượng nhằm hạn chế xe qua lại, chỉ duy nhất có chiếc biển báo đề dòng chữ: Công trình đang thi công.
Một người dân trực tại chốt vùng xanh COVID-19 ngay cạnh đấy chia sẻ: “Không biết hồi đó, họ thi công kiểu gì mà nứt toác cả đê sông Hồng, một số nhà dân gần đó cũng bị ảnh hưởng. Hồi tháng 5, tháng 6 tôi thấy họ có tổ chức ra vá víu tạm thời nhưng chúng tôi sống sát đê vẫn lo lắm. Nhỡ mùa mưa năm nay có sự cố thì ai chịu trách nhiệm? sao lại cho thi công ngay cạnh chân đê không biết?”.
Bà Hằng, người dân sống cạnh đó cho biết thêm: “Từ hồi Hà Nội công bố dãn cách, chúng tôi không thấy ai ra sửa chữa nữa, hình như công nhân họ nghỉ hết thì phải, cũng chỉ thỉnh thoảng thấy có người lạ qua ngó mấy cái chỗ đang được vá đấy”.
|
Sự cố được gắn biển cảnh báo |
Liên quan đến sự việc này, nhóm PV tiếp tục trao đổi với ông Phạm Hoa Cương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP nước mặt Sông Hồng, ông Cương thừa nhận, hiện công ty mới gia cố sửa chữa phía chân đê, còn mặt đê mới chỉ vá víu tạm bằng cách trát nhựa đường trám những vết nứt, đồng thời đặt biển cảnh báo đang thi công, chăng dây. Qua mùa mưa bão năm nay, công ty sẽ tiếp tục sửa chữa và phục hồi nguyên trạng mặt đê như ban đầu.
Tuy ông Phạm Hoa Cương nói là như vậy, nhưng quan sát bằng mắt thường thì những vết vá trên mặt đê hết sức sơ sài, lồi lên trên. Phía giáp chân đê, mặt đường lõm hẳn xuống, và dốc triền đê chỗ sự cố xảy ra thì phủ bạt che kín mít. Chúng tôi không dám nhấc tấm bạt lên để quan sát xem liệu có những vết nứt ngay triền đê hay không vì để giữ nguyên hiện trường.
Chỗ vá trên mặt đê đó, hàng loạt lỗ thủng đã xuất hiện, bên trong tối om không nhìn thấy rõ, nhưng chọc thanh gỗ vào thấy khá sâu. Ngay thời điểm PV có mặt tại hiện trường, trời bỗng đổ cơn mưa rất to, nước cứ theo những lỗ thủng đó ngấm thẳng vào thân đê.
Ngay cạnh phạm vi “công trường đang thi công” đã được quây lại, xuất hiện thêm một đường nứt,loằng ngoằng kéo từ trong vết vá dài ra tầm vài mét. Hỏi dân xung quanh thì họ bảo đó là vết mới.
Chúng tôi tiếp tục trao đổi với ông Phạm Hoa Cương, xin tài liệu về phương án sửa chữa, khắc phục sự cố vỡ đê Hữu Hồng do Công ty CP nước mặt Sông Hồng lập trình lên và đã được các cơ quan ban ngành có liên quan phê duyệt, nhằm chứng thực việc Công ty CP nước mặt Sông Hồng đã thực hiện đúng theo cam kết, nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa có phản hồi.
Một số hình ảnh được PV ghi nhận:
|
Xuất hiện thêm những vết nứt nối dài trên mặt đê từ đoạn xảy ra sự cố đã được Công ty CP nước mặt sông Hồng quây lại |