Nước mắt Thủ Thiêm: Từ kỳ vọng đến thất vọng

Google News

(Kiến Thức) -Từ sự kỳ vọng vào “siêu dự án” KĐT Thủ Thiêm sẽ mang lại những đổi thay tích cực trong cuộc sống, nhiều người dân Thủ Thiêm đã phải thất vọng khi cuộc sống thực tế của họ phải trải qua quá nhiều mặn đắng từ chính dự án này…

Nhà đất bị thu hồi, bị cưỡng chế nằm ngoài ranh quy hoạch, nhận tiền đền bù rẻ mạt, không đủ tạo lập cuộc sống mới; ở nơi tạm cư hoặc căn hộ tái định cư trong cảnh nhà cửa xuống cấp, dột nát, an ninh không đảm bảo…Đó là những nỗi thống khổ của người dân bán đảo Thủ Thiêm trong suốt 22 năm qua.
Từ những niềm tin và sự kỳ vọng vào bán đảo Thủ Thiêm trở thành một "phố Đông của Thượng Hải" khi “siêu dự án” được hình thành, 22 năm qua, người dân Thủ Thiêm đã phải sống trong cảnh tận cùng nghiệt ngã để rồi chính họ đã không kìm nén được những giọt nước mắt khổ đau, uất nghẹn, thậm chí giận dữ trong buổi tiếp xúc cử tri Quận 2 chiều 9/5 kéo dài đến 6 tiếng đồng hồ mà người dân vẫn chưa nói hết được tâm can của mình.
Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 367 phê duyệt quy hoạch Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm rộng 930ha với 7 phân khu chức năng là khu trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ; khu trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; khu nhà ở cao cấp; khu trung tâm văn hóa, du lịch, giải trí; công viên trung tâm; khu trung tâm hành chính; khu tái định cư rộng 160ha.
Nuoc mat Thu Thiem: Tu ky vong den that vong
 Nước mắt người dân Thủ Thiêm. Ảnh: Tuổi trẻ.
Khi đó người dân Thủ Thiêm kỳ vọng bán đảo Thủ Thiêm trở thành một "phố Đông của Thượng Hải” và cuộc sống của họ sẽ đổi thay từ dự án này. Tuy nhiên đến nay, sau nhiều lần thay đổi quy hoạch, bán đảo Thủ Thiêm ngoài dự án khu đô thị Sala 106ha của Tập đoàn Đại Quang Minh để bán, vài con đường dang dở thì vẫn là khu đất trống mênh mông, hẻo lánh.
Chưa ai thấy hình hài những trung tâm tài chính, ngân hàng, nhà hát lớn, trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm văn hóa thể thao –công viên cây xanh, hội chợ triển lãm, chưa ai thấy một “phố Đông của Thượng Hải”…Bản thân những người dân mất đất cũng không được sống trong khu tái định cư tập trung rộng đến 160ha hứa hẹn khang trang hiện đại như quy hoạch mà họ chia nhỏ thành nhiều dự án ở nhiều phường trong cảnh thiếu cơ sở hạ tầng nên nhiều người dân chưa đến ở.
Đổi lại, ngần ấy thời gian, người dân từ tâm trạng hứng khởi chờ đợi và hi vọng về một nơi đáng sống trên chính mảnh đất quê hương, họ trở thành những người mất đất, được đền bù hỗ trợ với giá rẻ mạt không đủ để tạo lập cuộc sống mới, được bố trí sinh sống trong những khu tái định cư trong cảnh nhà cửa xuống cấp, dột nát, an ninh không đảm bảo.
Không cay đắng sao được khi giữa Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM), chính những người dân phải sinh sống trong những khu nhà cũ nát, tạm bợ, ngập nước với cảnh sinh hoạt thiếu thốn bên những đại dự án nghìn tỷ của các đại gia bất động sản đã và đang xây dựng. Họ lặng lẽ nhìn những người ở địa phương khác về đây sống trong những căn biệt thự xa hoa. Không đắng chát sao được khi giá bán 1m2 đất của chủ đầu tư tại KĐT Thủ Thiêm cao gấp 20 lần giá đền bù cho người dân như lời cử tri Lê Thị Bạch Tuyết phát biểu trong cuộc tiếp xúc cử tri chiều 9/5 vừa qua: “Tôi gọi lên phòng kinh doanh của một dự án nhà ở "hoành tráng" trong Thủ Thiêm để hỏi giá bán, họ nói giá bán là 350 triệu đồng/m2 và đã bán hết rồi. Đến 2018 mới có một số căn nữa, giá 23 tỉ một căn”.
Không băn khoăn sao được khi chi phí xây dựng 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng chiều dài gần 11,9 km mà Đại Quang Minh công bố đầu tư tới 12.000 tỷ đồng được ví như đường dát kim cương khi 1000 tỷ đồng/km.
Không mệt mỏi sao được khi suốt năm này qua năm khác, những người dân Thủ Thiêm phải kéo nhau ra Hà Nội, sống cảnh tạm bợ, hình thành những “làng Thủ Thiêm” giữa lòng Hà Nội để ngày ngày đi gõ cửa các cơ quan chức năng bày tỏ những nguyện vọng chính đáng của họ.
Không giận dữ sao được khi Bản đồ quy hoạch dự án Thủ Thiêm – một cơ sở quan trọng về mặt pháp lý đã “bỗng dưng” thất lạc khiến nhiều năm qua cả hệ thống chính trị phải vào cuộc kiếm tìm. Khiến người dân đặt ra câu hỏi: “Không có bản đồ 1/5000 thì lấy cơ sở nào, TP HCM đưa ra bản đồ chi tiết 1/2000 và phê duyệt chi tiết, bồi thường, hỗ trợ, giải phòng mặt bằng” và lâu nay TPHCM lấy căn cứ, ranh giới ở đâu để thực hiện dự án?” và nghi ngờ sự khuất tất trong quá trình giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai không đúng mục đích.
Tất cả những bức xúc dồn nén ấy, tạo nên những giọt nước mắt cay đắng trong buổi tiếp xúc cử tri chiều 9/5. Tuy nhiên, những giọt nước mắt của những người dân Thủ Thiêm không phải lần đầu tiên rơi. Trong suốt quá trình đi đòi nguyện vọng chính đáng ấy, họ không chỉ đổ mồ hôi, sôi nước mắt mà phải đánh đổi bằng chính cuộc sống ngột ngạt, tâm tư, cảm xúc bị dồn nén quá dài. Trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây, hình ảnh bà Trần Thị Mỹ tóc bạc trắng với ánh mắt giận dữ khi bày tỏ tâm nguyện với ĐBQH được so sánh với hình ảnh tóc vẫn còn xanh của chính bà ở thời điểm đối thoại với với Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín ngày 16/7/2009 để lại nhiều suy nghĩ cho những người chứng kiến. Trong suốt 9 năm trời đằng đẵng ấy, người dân phải sống trong cảnh lo lắng, suy nghĩ đến bạc đầu nhưng đến nay tâm nguyện của họ chưa được giải đáp một cách thuyết phục.
Nỗi thống khổ của người dân Thủ Thiêm có thể được tóm tắt bằng một câu nói của ông Võ Viết Thanh - cựu chủ tịch UBND T .HCM với báo chí: "Nỗi đau không chịu nổi nằm trong lòng từ lâu".
Bà Lê Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP HCM nói với người dân Thủ Thiêm: "Tôi xót lắm, day dứt lắm" và hứa “sẽ báo cáo đầy đủ với Bí thư Thành ủy đề nghị tổ chức họp Ban Thường vụ Thành ủy để lắng nghe ý kiến của người dân quận 2, nhất là người dân Thủ Thiêm, và có sự chỉ đạo toàn diện” thì những nỗi oan thấu trời của người dân Thủ Thiêm vẫn còn phải kéo dài.
Người dân Thủ Thiêm đến giờ họ vẫn đang kỳ vọng vào những lời nói của bà Lê Thị Quyết Tâm nhưng liệu họ có thêm một lần thất vọng nếu những tâm nguyện ấy không được giải quyết một cách mạnh mẽ. Để Thủ Thiêm không còn “lò lửa”, đến lúc cần phải mổ xẻ sự đúng sai trong các kiến nghị của người dân, ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm và xử lý nghiêm minh và cần những chính sách để mang lại những quyền lợi chính đáng của người dân – những người mất đất.
Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)