Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân ta thực hiện quyền công dân của nước Việt Nam độc lập, bầu ra 333 đại biểu, lập nên Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.
Lần giở trang lịch sử của 70 năm về trước chúng ta càng thêm tự hào về đất nước, về nhân dân, về Chủ tịch Hồ Chí Minh – người đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh trong những tháng năm đầy gay go ác liệt đó.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong muôn vàn khó khăn thử thách; trong sự bủa vây, chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.
Thế nhưng chỉ 3 tháng sau ngày ra đời của nhà nước dân chủ nhân dân, một cuộc tổng tuyển cử bằng hình thức phổ thông đầu phiếu đã được tổ chức. Có thể nói đây là một kỉ lục về thời gian, ba tháng để chuẩn bị một cuộc tổng tuyển cử trong cả nước, thật khó tin, nhưng chính quyền cách mạng còn non trẻ đã làm được điều tưởng như không thể ấy.
|
Nhân dân lao động Thủ đô cổ động cho ngày Tổng Tuyển cử đầu tiên. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Cuộc phổ thông đầu phiếu đã diễn ra không hề yên ả trước sự chống phá của thù trong giặc ngoài. Nhân dân thực hiện quyền công dân giữa vòng kìm kẹp và súng đạn kẻ thù.
Trong Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, Việt Nam Quốc dân Đảng mang tiểu liên đến phố Ngũ Xã (Ba Đình, Hà Nội) ngăn không cho đặt hòm phiếu, cấm người dân treo cờ.
Ở Hải Phòng, tại khu vực Nhà hát lớn, quân Tưởng xông vào cướp súng tự vệ đang làm nhiệm vụ bảo vệ hòm phiếu, cướp hòm phiếu.
Tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ, nơi chiến sự xảy ra ác liệt, lá phiếu phải đổi bằng máu.
Tại Sài Gòn 42 cán bộ trong ban tuyên truyền bầu cử hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vận động bầu cử. Tại Mỹ Tho, Khánh Hòa máy bay Pháp ném bom khu vực bầu cử làm nhiều người chết và bị thương.
Nhưng súng đạn quân thù không ngăn cản được lòng dân. Ở những nơi địch khủng bố, người dân ôm hòm phiếu chạy đi nơi khác tiếp tục bầu hoặc làm thêm hòm phiếu giả để đánh lừa bọn phá hoại.
Tại Tây Nguyên, người dân buôn Krong Prong (Đăk Lăk) đang bỏ phiếu thì giặc tới bao vây, dân chạy vào rừng. Bị truy đuổi, người dân đi sâu vào khe suối, đem theo gạo ăn để bỏ phiếu.
Lúc này lòng dân chỉ một tâm niệm: "Bây giờ dẫu có chết đi cũng hả dạ, vì đã bỏ được lá phiếu, góp phần xây dựng nền móng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho con cháu mình".
Cuộc Tổng tuyển cử vì thế đã thành công vang dội. Đó là thắng lợi của nhân dân, của tinh thần dân chủ. Một khi quyền lợi hợp pháp của nhân dân được đảm bảo và người dân ý thức được điều đó thì không một thế lực thù địch nào có thể ngăn cản nổi. Thiết nghĩ, đây là bài học sâu sắc rút ra từ cuộc Tổng tuyển cử lịch sử của 70 năm về trước.
Để có được thành quả ấy, chỉ trong vòng 3 tháng, chính quyền cách mạng non trẻ đã làm được những điều phi thường, thực sự là nhà nước do dân, vì dân.
Trước ngày Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Vốn bản chất là hiện thân của dân tộc, Quốc hội sẽ làm tất cả những gì mà nhân dân mong muốn" (Trả lời phỏng vấn tờ La République, số 12, ra ngày 23/12/1945). Chiều ngày 5/1/1946, tại cuộc gặp gỡ cử tri ở khu học xá (nay là trường ĐH Bách khoa, Hà Nội) Bác đã nói với các ứng viên: "Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung".
Gần một năm sau ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, sức mạnh nhân dân lại được khơi dậy mãnh liệt khi cả nước theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cầm vũ khí đứng lên bắt đầu cuộc trường chinh máu lửa để bảo vệ thành quả cách mạng bằng niềm tin, bằng tinh thần dân chủ dù “phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng”.