Vụ án mạng nghiêm trọng một người phụ nữ giết con và cháu xảy ra ngày 20/7 tại phòng P1604 HH02 - 1C KĐT Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) khiến dư luận rúng động.
Đáng chú ý, thời điểm gây án, nghi phạm Hoàng Thị Sen (SN 1995) có dấu hiệu trầm cảm do liên tiếp chịu tang cha và chú. Dù đã được đưa đi chữa bệnh tại Lào Cai và có dấu hiệu bệnh tình thuyên giảm tuy nhiên Sen vẫn gây ra vụ án mạng đau lòng trên khi dùng thắt lưng siết cổ chính con đẻ mới 8 tuổi và cháu họ mới 6 tuổi rồi tự tử. Hai cháu bé tử vong còn Sen được bảo vệ tòa nhà cứu sống.
Nguyên nhân dẫn đến vụ việc đau lòng trên đang được lực lượng chức năng làm rõ. Tuy nhiên đây là vụ án mạng thương tâm cảnh báo những hệ quả đau lòng do căn bệnh trầm cảm gây ra.
|
Nơi xảy ra vụ việc mẹ giết con và cháu rúng động Hà Nội. |
Thời gian qua, bệnh trầm cảm là nguyên nhân dẫn đến không ít vụ tự tử, án mạng xảy ra như con giết cha, mẹ giết con. Cũng chính tại TP Hà Nội, vào tháng 6/2017, dư luận từng rúng động trước vụ việc chị P.T.T đã đặt con ruột mới 33 ngày tuổi vào chậu nước cho đến khi cháu bé tử vong. Cơ quan điều tra xác định, nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm này là do P.T.T mắc bệnh trầm cảm nặng nên có những suy nghĩ tiêu cực.
Đó chỉ là hai ví dụ để thấy những tác hại khôn lường của căn bệnh trầm cảm gây ra. Bệnh trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến người mắc mà còn hệ lụy tới gia đình và xã hội. Đây cũng là căn bệnh mà nhiều bà mẹ sau sinh mắc phải và thực tế đã có nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng như cả nước thời gian qua.
Cuộc sống xã hội, kinh tế càng phát triển, con người càng đối diện với nhiều căng thẳng, áp lực. Đây là nguyên nhân chính gây nên trầm cảm. Do vậy, nhiều người cho rằng, trầm cảm là căn bệnh của cuộc sống hiện đại.
Đáng chú ý có nhiều nguyên nhân để dẫn đến trầm cảm như biến cố xảy ra trong cuộc sống, áp lực và stress. Thậm chí, do di truyền, do biến chứng từ những chấn thương ở vùng đầu, do trải qua những cú sốc về tâm lý, do lạm dụng một số chất kích thích và gây nghiện hay do thói quen sống cô lập, ít giao tiếp, vận động, thiếu ngủ…
Trong khi đó, con người ngày càng phải đối mặt với những yếu tố trên như áp lực thi cử, áp lực làm việc, mâu thuẫn trong gia đình…dẫn đến dồn nén mà không thể chia sẻ cho những người thân bên cạnh dẫn đến con người không kiểm soát được hành vi dễ dẫn đến hành động tiêu cực với chính bản thân, người thân và xã hội.
Bởi khi bị trầm cảm, người bệnh thường có những suy nghĩ tiêu cực như mình là người vô dụng, vô tích sự, không thể làm chuyện gì tốt, gây phiền hà cho người khác… nên dễ dẫn đến hành vi tự tử. Thậm chí có người bệnh còn cho rằng, người thân, con em mình sống quá khổ nên muốn sát hại họ như một cách giải thoát.
Tuy nhiên trên thực tế, dù đã có rất nhiều vụ việc thương tâm xảy ra do chứng bệnh này nhưng lâu nay dường như chúng ta bỏ quên, coi thường dẫn đến những hậu quả đáng tiếc liên tiếp xảy ra.
Như Tiến sĩ Tô Thanh Phương – Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I khi trao đổi với báo chí đã thừa nhận một thực tế: “Hiện nay không ít người đang xem nhẹ và coi căn bệnh trầm cảm là “không đáng quan tâm”, thậm chí khi nói rằng trầm cảm còn nguy hiểm hơn cả những căn bệnh mãn tính và đau đớn hơn tất cả những căn bệnh nào khác, mọi người đều cho rằng đó là đang làm quan trọng thêm vấn đề”.
Tiến sĩ Tô Thanh Phương cho rằng “Không gì đau đớn bằng bệnh trầm cảm” và đưa ra một số liệu thống kê cho thấy 80% bệnh nhân trầm cảm nặng bị ảo thanh định tự sát, 15% trong đó đã tự sát thành công.
Những phân tích trên cho thấy, đã đến lúc xã hội phải dành sự quan tâm đặc biệt cho căn bệnh trầm cảm để tránh những vụ việc thương tâm xảy ra với người thân và xã hội.