Hoa hậu doanh nhân thế giới người Việt Nguyễn Thị Nhung đang tạo sự bức xúc, phẫn nộ cho nhiều người dân khi được cho là đối tượng cầm đầu đường dây mua bán hóa đơn GTGT gây thiệt hại cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng mà Công an quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng) đang điều tra.
Dư luận bức xúc khi Nguyễn Thị Nhung là người trực tiếp chỉ đạo đường dây dây mua bán hóa đơn khống khi thành lập đến 17 doanh nghiệp để thực hiện hành vi này với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước.
Dư luận phẫn nộ hơn, khi chỉ cách đây nửa tháng, vào ngày 13/4, Nguyễn Thị Nhung chính là người đăng quang ngôi vị Hoa hậu doanh nhân thế giới người Việt 2018.
|
Nguyễn Thị Nhung mới chỉ đăng quang Hoa hậu doanh nhân thế giới người Việt năm 2018 cách đây hơn 2 tuần. |
Cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt được quảng bá là không chỉ chú trọng về yếu tố ngoại hình, tôn vinh vẻ đẹp mà còn nhấn mạnh đến các tiêu chí tài sắc, trí tuệ và bản lĩnh của những nữ doanh nhân thời đại mới. Tham dự cuộc thi này là các nữ doanh nhân Việt thành đạt đang sinh sống và làm việc tại khắp nơi trên thế giới. Bởi vậy, nơi tổ chức cuộc thi này cũng rất hoàng tráng trên du thuyền 5 sao chuẩn quốc tế Ovation of the Seas. Siêu du thuyền này có hải trình đi qua 3 nước Singapore – Malaysia – Thái Lan.
Với vẻ đẹp khả ái, phong thái tự tin, lối ứng xử thông minh, linh hoạt, Nguyễn Thị Nhung đã ghi điểm và đăng quang ngôi vị Hoa hậu. Ở thời điểm đăng quang, hoa hậu Nguyễn Thi Nhung bày tỏ mong muốn được làm điều gì đó góp phần tôn cao giá trị Việt, giới thiệu văn hóa Việt đến với bạn bè thế giới, chia sẻ và nhân rộng nhiều hơn nữa những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống.
Thế nhưng đăng quang ngôi vị chưa lâu, Nguyễn Thị Nhung lại bị lật giở chiêu trò làm ăn phi pháp khi đang bị cơ quan công an điều tra với vai trò là người cầm đầu đường dây mua bán hóa đơn GTGT gây thiệt hại cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Ngay cơ quan công an cũng cho rằng, Nguyễn Thị Nhung có vẻ đẹp khả ái với vỏ bọc là nữ doanh nhân thành đạt để hòng mục đích che dấu hành vi phạm tội.
Và chính từ vụ việc trên, dư luận cho rằng, Nguyễn Thị Nhung không xứng đáng được vinh danh hoa hậu đại diện cho các nữ doanh nhân Việt thành đạt đang sinh sống và làm việc tại khắp nơi trên thế giới và đặt ra nhiều nghi vấn về cuộc thi sắc đẹp này khi tôn vinh một nữ doanh nhân làm giàu từ con đường phi pháp.
Trước thời điểm thông tin hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt 2018 bị điều tra liên quan đường dây mua bán hóa đơn khống hàng nghìn tỷ đồng một ngày, hai người đẹp gồm Phạm Thị Thanh Hiền là Hoa khôi Thời trang Việt Nam 2017 và Nguyễn Thị Ngọc là Á khôi Sắc đẹp Việt Nam 2017 bị tòa án nhân dân TP HCM kết án liên quan hành vi môi giới mại dâm và bán dâm. Ngọc và Hiền có giá bán dâm tối đa lên đến 1.000-2.500 USD (22 triệu-57 triệu đồng) mỗi lần do có danh hiệu từ các cuộc thi sắc đẹp. Cả hai bị bắt ngày 15/8/2017 khi đang bán dâm cho hai khách với giá 15 triệu đồng mỗi người.
Đáng chú ý, cả hai cuộc thi mà Phạm Thị Thanh Hiền và Nguyễn Thị Ngọc được tôn vinh đều không được Bộ Văn hóa Thế thao & Du lịch cấp phép nhưng vẫn được tổ chức tại Hà Nội.
Và trước đó, đã có rất hoa hậu, hoa khôi sau khi đăng quang đã dính nhiều tai tiếng, thậm chí phạm pháp.
Đó chính là hệ quả của tình trạng loạn cuộc thi hoa hậu, loạn danh hiệu xuất phát từ những đơn vị tổ chức lợi dụng cuộc thi để làm thương mại kiếm tiền. Trong khi đó, những thí sinh tham gia cuộc thi cốt chỉ mong được đăng quang để đổi đời nhờ danh hiệu như hoa hậu, á hậu, hoa khôi…sẽ giúp họ bước chân vào làng giải trí, đóng phim, làm người mẫu quảng cáo…Ví như trường hợp của Nguyễn Thị Nhung, việc đăng quang hoa hậu doanh nhân giúp Nhung có thêm vỏ bọc hào nhoáng để hòng mục đích che dấu hành vi phạm tội; hay như Phạm Thị Thanh Hiền và Nguyễn Thị Ngọc cũng được hưởng lợi từ danh hiệu khi có giá bán dâm cao.
Dù biết rằng, những hoa hậu, hoa khôi khi đăng quang đã sa ngã, thậm chí vi phạm pháp luật, tạo dư luận tiêu cực về hình ảnh người đẹp chỉ là “những con sâu bỏ rầu nồi canh”. Bởi thực tế, có rất nhiều hoa hậu khi đăng quang từ các cuộc thi sắc đẹp uy tín vẫn đang ngày ngày phấn đấu hoàn thiện mình, tiếp tục gìn giữ vẻ đẹp, nhân lên lòng nhân ái, lan tỏa sắc đẹp của phụ nữ Việt, văn hóa Việt ra thế giới…
Tuy nhiên, chỉ một vài “con sâu làm rầu nồi canh” cũng đủ để minh chứng điển hình về việc các sân chơi nhan sắc đang bị lợi dụng và đang dần trở thành các cuộc bán – mua của nhà tổ chức. Danh xưng hoa hậu từ đó biến tướng tạo ra các thương vụ đại gia – chân dài, thậm chí những cuộc bán mua thân xác như đã xảy ra trên thực tế.
Đó cũng là những hình ảnh chân thực để cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn cần có những biện pháp mạnh để xử lý những cuộc thi sắc đẹp trái phép, xử lý những cá nhân, tổ chức tôn vinh những kẻ làm ăn phi pháp làm hoa hậu, gây ảnh hưởng đến các cuộc thi sắc đẹp uy tín khác. Đồng thời, có những giải pháp cần thiết hơn nữa để giảm nạn loạn các cuộc thi sắc đẹp.