|
Ảnh minh họa. |
Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa nằm trong tổng thể của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chính là đổi mới bước đầu và cần thiết. Đồng quan điểm với PGS Văn Như Cương, tôi đồng ý một chương trình nhiều sách giáo khoa, nhưng việc cho cá nhân hay nhóm viết sách giáo khoa cũng nên có thời gian lâu dài và viết từng cuốn, từng cấp. Xem như việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới giống như một công trình xây dựng, trước hết người thiết kế phải nghĩ xem công trình có bao nhiêu tầng, mỗi tầng định làm gì, trên cơ sở đó mới thiết kế từ bên ngoài tới bên trong, sau đó mới dùng vật liệu để xây dựng...
Quan điểm Bộ GD&ĐT ít nhất phải viết một bộ sách, bởi nếu không sẽ không đảm bảo tiến độ, chất lượng là hợp lý, nhưng vấn đề thẩm định bộ sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT phải đảm bảo là cơ quan độc lập.
Trong bài trò chuyện, tính kế thừa được PGS Văn Như Cương nhấn mạnh và nêu rõ, sách cũ cũng có điểm tốt và không tốt, điểm không tốt phải viết lại, điểm tốt giữ lại để dùng tiếp.
Cũng theo PGS Văn Như Cương, kiến thức hàn lâm thì vẫn thế, phương pháp học về cơ bản cũng thế, nếu viết lại hoàn toàn thì quá lãng phí và không hiệu quả. Chúng ta không phải làm lại toàn bộ sách mà tính tới tính kế thừa là đúng.
Thiết nghĩ, ngoài việc đơn vị hay cá nhân nào viết sách, trước khi đưa vào sử dụng đại trà sách giáo khoa mới phải được thực hiện thí điểm đánh giá những mặt được và chưa được như một bước đi cẩn trọng, không nên làm nhanh làm vội sẽ hỏng.