"Coi Facebook của Bộ trưởng Kim Tiến, chúng tôi quý bà quá!"

Google News

Nhiều bạn đọc đã thốt lên như vậy khi biết chính Bộ trưởng Bộ Y tế cặm cụi gõ phím chia sẻ, trả lời người dân trên Facebook của Bộ trưởng Kim Tiến.

Nhiều bạn đọc đã phải thốt lên "Coi Facebook của Bộ trưởng Kim Tiến, chúng tôi quý bà quá!" khi đọc những dòng chia sẻ do chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cặm cụi gõ phím chia sẻ và trả lời người dân trên Facebook cá nhân của mình.
Nhiều người đánh giá việc các nhà lãnh đạo sử dụng Facebook như một kênh giao tiếp với người dân là động thái rất tích cực và bắt kịp với xu hướng thế giới.
Động thái tích cực
Không kể đâu xa, khoan nói đến chuyện gì to tát, chỉ một bức hình Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chụp cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nguyên thủ quốc gia khác được đăng tải trên Facebook cá nhân của ông Lý đã nhận được vô số lượt thích và bình luận, chia sẻ thể hiện sự thích thú.
Điều đó cho thấy sự hứng thú, quan tâm, sự lan truyền cũng như kỳ vọng không nhỏ của người dân khi một nhà lãnh đạo sử dụng mạng xã hội.
Trong thời đại mà một thông tin nóng hổi vừa xảy ra có thể xuất hiện ngay lập tức trên mạng xã hội thì chắc hẳn những người làm công tác quản lý, lãnh đạo khó lòng đứng ngoài xu thế.
Giải quyết chuyện gì và giải quyết ra sao trên Facebook?
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là bộ trưởng đầu tiên trong Chính phủ đương nhiệm công khai địa chỉ Facebook chính thức vào tháng 3/2015.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - phó viện trưởng Viện VH-NT quốc gia - đánh giá việc các nhà lãnh đạo sử dụng và công khai Facebook của mình với người dân thể hiện tư tưởng cởi mở trong việc đối thoại giữa hai bên.
TS Hoàng Hải - chủ tịch hội đồng biên tập tạp chí Thương Gia Và Thị Trường, chuyên viên cao cấp tạp chí Mặt Trận, giảng viên khoa báo chí Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội - cho rằng việc các nhà lãnh đạo sử dụng Facebook là cần thiết bởi sẽ tạo nên tính đa dạng hóa trong các kênh giao tiếp với người dân.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, các hình thức truyền thông mới (như Facebook, mạng xã hội) chỉ là phương tiện kỹ thuật, giúp con người giao tiếp thuận thiện hơn. Không có chuyện phương tiện kỹ thuật xấu hay tốt, xấu - tốt là do cách thức con người sử dụng.
Nếu tiếp cận được với mạng xã hội, các nhà lãnh đạo có thể tiếp cận với nhiều nhóm công chúng, có thể lắng nghe nhiều tiếng nói khác nhau trong xã hội - mà nếu chỉ đi theo con đường hành chính thì khó lòng tiếp cận hết.
“Hiệu quả xã hội sẽ lớn hơn khi mà những tiếng nói nhỏ - mà nếu trong điều kiện thông thường, thông qua những hình thức truyền thông cũ hay cách thức báo cáo sẽ khó được lắng nghe - đến được với các nhà lãnh đạo có khả năng giải quyết vấn đề. Khi có nhiều thông tin, nhiều ý kiến đóng góp hơn thì những quyết định của các nhà lãnh đạo cũng đúng đắn và hợp với lòng dân hơn” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.
Bên cạnh đó, khi nhà lãnh đạo cởi mở với người dân hơn thì người dân cũng từ đó cởi mở hơn khi bày tỏ vấn đề với nhà lãnh đạo. Từ đó, giao tiếp giữa hai bên sẽ không còn tính hình thức mà trở thành một giao tiếp thực chất.
Theo TS Hoàng Hải, ưu điểm của việc sử dụng Facebook để làm việc chính là tính nhanh chóng, tác động xã hội rộng rãi và thể hiện được bản lĩnh của nhà lãnh đạo.
Phần khác, nếu như các tư lệnh ngành dám “xông pha” giải quyết vấn đề cùng người dân trên một kênh rộng rãi như Facebook thì cũng phần nào tránh được tình trạng quan liêu của những cán bộ quản lý cấp dưới.
“Nên phân bổ thời gian hợp lý để sử dụng kênh Facebook giao tiếp với người dân một cách hiệu quả nhất” - TS Hoàng Hải nói.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng thông tin trên mạng xã hội như Facebook thường theo nhiều chiều, với nhiều mục đích khác nhau.
Do đó “có thể lắng nghe từng ý kiến nhưng phải khái quát thành chính sách và giải quyết có tính hệ thống để trả lời chung cho tất cả loại ý kiến có liên quan đến những khúc mắc đó của người dân” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Để làm được điều này, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đội ngũ chuyên gia giúp việc cho nhà lãnh đạo phải có năng lực tập hợp, phân tích tốt để sàng lọc, phân loại thông tin tiếp cận trên mạng xã hội, từ đó sẽ đưa ra những đánh giá và đề xuất hướng giải quyết phù hợp.
Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng với những vấn đề lớn, có tính chất nghiêm trọng, quan trọng thì nhà lãnh đạo nên trực tiếp giải quyết.
Ảnh đời thường của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đăng trên trang Facebook cá nhân. 
Cẩn trọng về mặt bảo mật
Ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA, đưa ra những lưu ý về vấn đề chính danh và việc bảo mật tài khoản Facebook của các nhà lãnh đạo.
Theo ông Thắng, khi đã thành lập tài khoản chính thức, các nhà lãnh đạo nên công khai rộng rãi cho người dân được biết đó chính là tài khoản thực của mình, để người dân phân biệt với những tài khoản giả mạo.
Đây cũng là cách để người dân biết nên gửi những tâm tư, kiến nghị, đề xuất của mình vào tài khoản Facebook nào thì sẽ được tiếp nhận và xử lý, thay vì gửi nhầm vào những tài khoản không thật.
Bên cạnh đó, đội ngũ quản trị của tài khoản Facebook nhà lãnh đạo cũng phải cẩn trọng trong vấn đề bảo mật tài khoản, tránh tình trạng bị hacker lấy cắp thông tin, chiếm quyền điều khiển và lợi dụng tài khoản nhà lãnh đạo vào mục đích xấu.
Theo Tuổi Trẻ

Bình luận(2)

Minh Hiền

thanhdanh06@yahoo.com

tôi đánh giá cao việc bà "cặm cụi"viết facebook trả lời thắc mắc!

Minh Hiền

nguyễn mạnh cường

tôi cần bà là người tiên phong tiếp như ông đinh la thắng nhé sẽ có là sóng theo hết các làm việc như vậy dân đỡ phả ánh phàn nàn ok , chúc bà sớm thực thi