|
Trường Mầm non B Trực Ðại, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Ðịnh, nơi xảy ra sự việc đáng tiếc |
Theo ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định sự việc cô giáo buộc dây vào áo cháu bé và cột vào cửa sổ là có thật. Đây là sự việc đáng buồn, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, niềm tin của nhân dân. Tuy vậy, xét trong hoàn cảnh cụ thể để đánh giá bản chất sự việc, hành vi của cô giáo cột trẻ vào cửa sổ là sai nhưng cô giáo không có ác ý với trẻ mà là hành vi thiếu kinh nghiệm trong việc ứng xử.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở GD&ĐT Nam Định, phòng GD&ĐT Trực Ninh và Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh đã kịp thời xuống trường làm rõ. Theo báo cáo của phòng GD&ĐT huyện Trực Ninh, cháu N.V.P bị tăng động - có chứng nhận của Bệnh viện Nhi Trung ương về bệnh này - nên thường xuyên chạy nhảy lung tung, đánh bạn. Lúc cháu tăng động quá, cô buộc vào như vậy, vừa để an toàn cho cháu, vừa để an toàn cho các bạn. “Đây cũng là bài học trong việc dạy trẻ khuyết tật. Sở GD&ĐT sẽ tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Điều quan trọng là cái tâm của cô không ác ý gì với cháu cả” - ông Cao Xuân Hùng nhấn mạnh.
Ông Đặng Xuân Hữu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trực Ninh cũng khẳng định cách làm của cô giáo thể hiện nhận thức hạn chế, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm với trẻ khuyết tật nên đã có hành vi không đúng, không chuẩn mực gây phản cảm. Tuy nhiên cô giáo không có ác ý gì ngoài sự đảm bảo an toàn cho bản thân cháu bé và các trẻ trong lớp. Từ khi xảy ra sự việc, cháu bé vẫn đến lớp, bình ổn về tinh thần. Chính vì vậy, phòng GD&ĐT đã quyết định cho cô giáo tạm nghỉ vài ngày, vừa để cô bình tâm soi xét lại mình, vừa để cô có thời gian động viên cháu và chia sẻ với gia đình cháu bé.Trước mắt, cần giúp cháu bình ổn tâm lý, chia sẻ với gia đình. Còn về hình thức xử lý, kỷ luật như thế nào, chính quyền địa phương và phòng GD&ĐT sẽ bàn bạc để sớm có quyết định (thuộc quyền hạn của UBND huyện).
Trao đổi với Tiền Phong, bà Trần Thị Hồng, bà nội của cháu N.V.P cũng khẳng định cháu bị chậm phát triển. Cháu sinh năm 2014 nhưng đến giờ vẫn chưa biết nói và hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Nói thêm về hoàn cảnh của P, bà Hồng cho biết: Bố P mất từ khi em chưa chào đời. Sau khi P sinh được 2 ngày, mẹ em bị trầm cảm sau sinh phải chuyển lên Thường Tín (Hà Nội) để điều trị. Nhưng từ đó đến nay do mẹ chưa khỏi bệnh nên được đưa về cho người thân bên ngoại chăm sóc, còn P được bà nội nuôi.
Theo bà Hồng, cháu bà đi học ở trường đến nay đã được 3 năm và bà luôn tin tưởng các cô giáo ở trường. “Bình thường đi học về, cháu tự chơi. Mình tôi cấy 7-8 sào ruộng, bà cháu nuôi nhau. Chi phí điều trị ở bệnh viện Nhi cũng được các bác sĩ ở đó kêu gọi hỗ trợ rất nhiều” - bà Hồng kể.
Bà biết được sự việc qua báo chí nhưng sau khi sự việc xảy ra, bà vẫn đưa P đến lớp học bình thường. Hai cô giáo của lớp vẫn dạy con bình thường. Chiều tối 29/11, cô H, người nhận đã buộc dây vào áo cháu cột lên cửa sổ đã đến nhà xin lỗi bà và gia đình. Không những thế, lãnh đạo huyện, phòng GD&ĐT Trực Ninh cũng xuống gặp gỡ bà để động viên, chia sẻ.
Theo PGS. TS Nguyễn Xuân Hải, Trưởng khoa Giáo dục Ðặc biệt, trường ÐH Sư phạm Hà Nội, với những giáo viên không phải chuyên biệt thì các kỹ năng yêu cầu để giáo dục trẻ hòa nhập, gồm: Ðiều chỉnh trong quá trình dạy học (điều chỉnh mục tiêu, phương pháp, cách thức tổ chức); xây dựng môi trường hòa nhập thân thiện với tất cả mọi người; có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình; có những điều kiện, phương tiện, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. “Trẻ không bao giờ có lỗi. Về mặt trách nhiệm thì trách nhiệm của nhà trường, giáo viên, gia đình. Giáo viên cần phải tìm hiểu thật rõ về trẻ. Khi chưa tìm hiểu rõ hoàn cảnh của trẻ thì thông thường giáo viên sẽ không tìm được phương pháp tối ưu để dạy học sinh trong lớp” - PGS. Nguyễn Xuân Hải nói.