Vụ việc ông Vũ Trọng Lương can thiệp sửa điểm thi ở Hà Giang đang khiến dư luận cả nước bức xúc. Bởi trong lịch sử ngành giáo dục nước nhà, đây có lẽ là vụ sửa điểm thi lớn nhất, nghiêm trọng nhất khi chỉ trong vẻn vẹn 6 giây, có thể biến từ điểm 1 thành điểm 9. Trong 6 giây ngắn ngủi đủ để ông Vũ Trọng Lương biến những người không đủ năng lực học tập thành thủ khoa, biến những ước mơ của nhiều thí sinh ngày đêm khổ luyện có năng lực thật sự suýt nữa tan theo “bong bóng xà phòng” nếu vụ việc không được phát hiện.
Đáng chú ý nhất, người được cho là “tiếp tay” cho ông Lương lại chính là ông Nguyễn Thanh Hoài - Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng – sếp của ông Lương. Ông Hoài được xác định đã có hành vi đưa chìa khóa nơi lưu giữ bài thi, hồ sơ thi trắc nghiệm đã chấm cho ông Vũ Trọng Lương, trái với quy chế. Nhờ vậy, ông Lương đã thực hiện trót lọt hành vi của mình.
|
Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh đã đọc Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với Vũ Trọng Lương. Ảnh: Công an tỉnh Hà Giang. |
Theo báo cáo 256 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Giang, có đến 5 trên tổng số 6 túi đựng bài thi trắc nghiệm trong hòm có nhãn niêm phong không phải là nhãn niêm phong do Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, Ban chấm thi thực hiện khi bàn giao cho Ban thư ký Hội đồng thi.
Quá trình rà soát của hội đồng thi số 5 Hà Giang cho thấy, một số hoạt động đã được triển khai trên thực tế, nhưng lại chưa được ghi nhận bằng biên bản như việc kiểm tra tiếp nhận cơ sở vật chất tại địa điểm làm việc của ban phách và của Ban chấm thi. Kết quả chấm thẩm định sau đó cho thấy, có đến 114 thí sinh với 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lệch tăng hơn 1 điểm so với kết quả chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lệch hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Đến tận bây giờ, khi cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Vũ Trọng Lương, thì nhiều câu hỏi của dư luận vẫn đang được điều tra làm rõ như việc động cơ nào khiến Lương phạm tội? Có hay không đối tượng tiếp tay cho ông Vũ Trọng Lương khi chỉ 2 tiếng đồng hồ, ông Lương có thể sửa dữ liệu đến 330 bài thi? Cùng với đó, quy trình chấm thi, nhập dữ liệu và công bố điểm thi có chặt chẽ hay không khi một cá nhân có thể thay đổi dữ liệu hàng trăm bài thi? Có hay không việc các bậc phụ huynh mua điểm và việc xử lý sẽ thế nào?
Vụ việc sửa điểm thi ở Hà Giang đã bước đầu được làm rõ và sẽ tiếp tục được điều tra làm rõ trong thời gian tới. Tuy nhiên, chỉ sau khi Hà Giang bị phơi bày sửa điểm thi hơn 300 học sinh từ 1-30 điểm, thì Lạng Sơn, Sơn La tiếp tục bị sờ gáy.
Ví như ở Lạng Sơn, chỉ trong vòng "vài ba nốt nhạc", dư luận đã dồn nghi vấn điểm thi bất thường về việc 35 thí sinh là chiến sĩ nghĩa vụ thuộc Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 (thuộc bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động – K20).
Theo bảng điểm được đăng tải trên mạng xã hội có đầy đủ danh sách tên, tuổi, ngày tháng năm sinh và số điểm 3 môn (Toán, Văn, Lịch Sử) với số lượng điểm trên 8 và 9 tại hai môn Ngữ Văn và Lịch sử cao đột biến. Ở môn Ngữ Văn, 5 trong số 35 người đạt điểm 9. Trong khi đó, theo phổ điểm môn Ngữ Văn được bộ GD-ĐT công bố, cả nước có 1.706 thí sinh đạt điểm 9. Ngoài ra, tổng điểm 3 môn và điểm ưu tiên của 35 thí sinh này đều trên 24.
Với những dấu hiệu điểm thi bất thường ở Lạng Sơn và Sơn La, Bộ GD&ĐT đã thành lập Tổ công tác kiểm tra dấu hiệu bất thường về điểm thi THPT quốc gia tại hai địa phương này và sẽ sớm công bố kết quả. Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, mới đây hàng loạt nghi vấn điểm thi lại tiếp tục được đặt ra ở nhiều địa phương như Bạc Liêu, Hòa Bình, Hậu Giang, Điện Biên, Lai Châu, Kon Tum...
Dư luận đặt câu hỏi, có đến 4/63 tỉnh bị lộ, nghi ngờ, một số tỉnh đang có nghi vấn về điểm thi bất thường và con số chỉ dừng ở đó hay còn nhiều tỉnh khác nữa? Liệu còn bao nhiêu ông Vũ Trọng Lương nữa?