|
Khăn Piêu là biểu tượng đẹp cho văn hóa các dân tộc Thái. |
Trên sóng truyền hình trực tiếp của VTV, vòng bán kết chương trình nhân tố bí ẩn vừa qua làm cho công chúng xem truyền hình được một phen ngỡ ngàng và "phẫn nộ" khi nhóm Fband trình diễn chuỗi các ca khúc nổi tiếng của hai nhạc sĩ Trần Tiến và Nguyễn Cường: "Ngọn lửa cao nguyên, Còn yêu nhau thì về Buôn Mê Thuột, Đôi mắt Pleiku" những bài hát mang âm hưởng Tây nguyên nhưng cái "đặc biệt quái" của nhóm ở đây, đó là sử dụng chiếc khăn Piêu của người Thái Tây Bắc, vật dụng rất thiêng liêng trong đời sống tinh thần của họ vốn được đội ở trên đầu nay lại mang ra "đóng làm khố" phục vụ cho tiết mục biểu diễn đặc sắc của mình.
Đặc biệt hơn, đây lại là tiết mục được đánh giá cao trong đêm bán kết của chương trình Nhân tố bí ẩn. Sau khi kết thúc đêm diễn ấy, một người Thái Tây Bắc - chị Tòng Thị Lan đã lên tiếng phẫn nộ, bởi văn hóa tâm linh của dân tộc chị đang bị xúc phạm. Cùng với nhiều người khác, chị Lan cho rằng "cần có một lời xin lỗi đồng bào dân tộc Thái công khai trên sóng truyền hình quốc gia".
Trong đời sống tình cảm của người Thái, chiếc khăn Piêu chính là kỷ vật đặc biệt cho tình yêu đôi lứa từ khi yêu nhau cho tới khi chuẩn bị lấy chồng, các cô gái Thái phải tự tay làm khăn Piêu như món quà không thể thiếu của cô dâu tặng cho gia đình nhà bên. Kể cả khi trong nhà có tang, khăn Piêu cũng được dùng làm lễ vật mang theo người mất và con cháu cũng phải đội khăn Piêu trong đám ma. Chiếc khăn Piêu khi ấy như vật chỉ đường cho linh hồn người đã mất. Người Thái trân trọng chiếc khăn ấy, cả lúc sống cho đến lúc chết.
Vậy mà trong một chương trình có quy mô lớn và được chuẩn bị chu đáo như Nhân tố bí ẩn lại xảy ra sự cố như vậy thì rất đáng chê trách không chỉ với ca sĩ mà cả nhà sản xuất cùng những người có trách nhiệm.