Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại phường Phương Lâm, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Đồng thời, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, đề nghị truy tố 3 bị can về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Các bị can gồm Nguyễn Quang Vinh (SN 1966, trú tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình - nguyên Trưởng phòng, Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình); Đỗ Mạnh Tuấn (SN 1979, Phó hiệu trưởng Trưởng phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) và Nguyễn Khắc Tuấn (SN 1981, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình).
Những tình tiết liên quan trong kết luận về vụ án này ngay lập tức khiến dư luận giật mình trước thủ đoạn gian lận tinh vi của những cán bộ sai phạm trên. Cũng như số tiền hưởng lợi kếch xù từ những việc làm phi pháp đó khi chỉ riêng bị can Đỗ Mạnh Tuấn đã thừa nhận được hưởng 550 triệu đồng để can thiệp sửa bài thi trắc nghiệm của các thí sinh.
|
Hai bị can Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn (phải). |
Đáng chú ý, kết quả điều tra cho thấy, có đến 64 thí sinh được sửa điểm thi THPT quốc gia. Trong đó, 63 em của năm 2018 và 1 em trong năm 2017. Trong năm 2018, 56 thí sinh có bài thi trắc nghiệm bị sửa điểm. Một thí sinh có bài thi Hóa học được nâng 9,25 điểm. Cá biệt, có thí sinh được nâng điểm 3 môn là 26,45. Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT khẳng định: “Rõ ràng đây là sự can thiệp nghiêm trọng làm sai lệch kết quả thi”.
Rồi đây những bị can từng là cán bộ ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình sẽ phải chịu những mức án nghiêm khắc của pháp luật do những hành vi sai phạm trên. Tuy nhiên, hậu quả vụ việc trên nghiêm trọng hơn nhiều những mức án mà pháp luật quy định. Bởi tương lai, cơ hội của 64 thí sinh được nâng điểm đã bị chính những cán bộ vì đồng tiền mà tha hóa cũng như từ chính những người thân trong gia đình các em chặn đứng cơ hội trên giảng đường đại học.
Như ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã khẳng định, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT Hòa Bình cập nhập lại điểm của 64 thí sinh lên hệ thống phần mềm quản lý thi để rà soát kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018, 2017; Đồng thời cung cấp thông tin về điểm thi trong danh sách thống kê cho Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và các ĐH, Học viện, trường ĐH, trường CĐ, TC có nhóm ngành đào tạo giáo viên để cập nhật, rà soát kết quả xét tuyển sinh ĐH, CĐ đối với các thí sinh có liên quan.
Dư luận quan tâm đó là những thí sinh có liên quan điểm chấm thẩm định không đủ điểm đỗ vào các trường ĐH mà thí sinh này đang học, sẽ xử lý như thế nào? Ông Mai Văn Trinh cho hay, đây là hệ quả kéo theo của việc gian lận thi cử. Tuyển sinh là quyền của các trường ĐH. Cục Quản lý chất lượng và Vụ Giáo dục ĐH sẽ có trao đổi và thống nhất chung. Nhưng đều trên tinh thần bám theo hai quy chế: thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ. Kết quả chấm thẩm định sẽ là kết quả chính thức của kỳ thi, thay thế cho kết quả đã công bố trước đây. Kết quả chấm thẩm định sẽ là kết quả cuối cùng được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ cho thí sinh.
Như vậy, theo các quy định, sẽ có không ít các thí sinh gian lận thi cử bị đuổi học. Qua đó cũng cho thấy, ngay cả những thí sinh gian lận thi cử cũng bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng, bởi nếu các em học thật, thi thật vẫn có cơ hội bước vào cánh cổng đại học.
Nhưng có một sự đáng tiếc, 64 trường hợp gian lận thi cử ở Hòa Bình có không ít em được đỗ vào trường đại học cũng đồng nghĩa với việc đã cướp đi cơ hội của từng ấy thí sinh khác học thật, thi thật.
Dư luận cũng cho rằng, ngoài việc xử lý các cán bộ vi phạm cũng cần xử lý những kẻ đưa tiền để nhờ can thiệp điểm thi cũng như trách nhiệm của thành viên Ban chỉ đạo Kỳ thi THPT của tỉnh và các thành viên còn lại của Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hòa Bình. Tiếc rằng, dù Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã tiến hành điều tra mở rộng vụ án, xem xét trách nhiệm những người có quan hệ, nhờ Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Mạnh Tuấn can thiệp; nâng điểm thi cho các thí sinh; trách nhiệm nhân thân thí sinh và thí sinh; trách nhiệm của thành viên Ban chỉ đạo Kỳ thi THPT của tỉnh và các thành viên còn lại của Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hòa Bình khi để xảy ra can thiệp, nâng điểm bài thi cho các thí sinh. Tuy nhiên chưa có căn cứ để xử lý trong vụ án.
Sắp tới khi Cơ quan An ninh điều tra kết luận những gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La thì những sự thật khủng khiếp sẽ tiếp tục được phơi bày và không ít thí sinh được nâng điểm, can thiệp thi cử sẽ phải chịu chung số phận với các thí sinh ở Hòa Bình. Đó cũng là bài học cảnh tỉnh cho các cán bộ tham gia các kỳ thi tiếp theo cũng như cho các phụ huynh các thí sinh. Xử lý nghiêm khắc những tổ chức cá nhân vi phạm cũng là cách để răn đe, đảm bảo sự công bằng trong thi cử.