|
Ảnh minh họa. |
Trong lá trà có chứa nhiều chất có ích cho sức khoẻ, giúp cơ thể phòng chống nhiều loại bệnh như mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, béo phì, cao huyết áp, nhiễm trùng, đái tháo đường, suy nhược thần kinh, viêm khớp, phòng chống lão hóa…
Đặc biệt, chất catechin và polysaccarides trong trà có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu. Do đó, khi người ta uống nước trà, nhất là uống trà buổi sáng sớm lúc bụng còn trống, thì việc kết hợp uống nước trà cùng với một vài miếng bánh ngọt, vài cái kẹo hoặc mấy miếng mứt sen, mứt gừng... là phong cách ẩm thực vừa thú vị, tinh tế, lại rất hợp với khoa học về dinh dưỡng.
Những người bị đái tháo đường nên thường xuyên uống trà. Triệu chứng của bệnh đái tháo đường là đường huyết tăng cao, khát nước, mất sức. Uống trà có thể giúp làm hạ đường huyết một cách hiệu quả, có tác dụng giải khát và tăng cường thể lực.
Tuy nhiên, những người có các bệnh sau đây thì không nên uống trà gồm: Viêm loét dạ dày, táo bón, thiếu máu dạng thiếu sắt, người bị bệnh gan, khó ngủ, phụ nữ đang mang thai hoặc sản phụ sau sinh, người đang bị sốt, trẻ nhỏ, những người đang dùng thuốc làm tan máu đông (vì trà có chứa vitamin K, loại vitamin có khả năng làm máu đông).
Khi sử dụng nước trà, nên lưu ý một số điều như không uống nước trà quá nóng, trên 60°C sẽ gây tổn thương niêm mạc của dạ dày, dẫn đến viêm loét dạ dày. Uống trà nóng còn có liên quan với nguy cơ ung thư thực quản. Tốt nhất, nên uống ấm, khoảng 45 - 50°C; không uống trà vào lúc đói vì sẽ gây triệu chứng cồn cào, khó chịu trong người, chóng mặt, hoa mắt, tay chân bủn rủn...
Không uống trà ngay sau bữa ăn, vì sẽ hạn chế hấp thu chất sắt. Nên uống trà vào khoảng 15 - 20 phút sau khi ăn. Không dùng nước trà để uống bất kỳ loại thuốc gì, vì các chất trong trà sẽ tạo ra những phản ứng hóa học làm cho thuốc giảm tác dụng và cơ thể khó hấp thu.
Với những người thần kinh nhạy cảm thì không nên uống trà vào buổi tối, vì trà sẽ gây kích thích làm mất ngủ. Không nên uống nước trà đã để qua đêm.