Hỏi: Con tôi còn nửa tháng nữa mới đến ngày sinh nhưng cháu đã thấy nước tràn ra ở âm đạo, đi khám được kết luận ối vỡ non và tiến hành mổ đẻ. Xin hỏi, thế nào là ối vỡ non, vỡ sớm. Trường hợp ối vỡ sớm có nguy hại gì? - Đỗ Thị Thảo (Đống Đa, Hà Nội).
|
Ảnh minh họa. |
BS Phó Đức Nhuận, Bệnh viện Phụ sản T.Ư: Màng ối là những màng mỏng bọc lót mặt trong tử cung và bánh nhau làm thành một cái túi kín bên trong chứa thai, nước ối và dây nhau. Ở cực dưới của túi ối, khi chuyển dạ các màng ối sẽ giãn dần ra, nước ối dồn xuống tạo nên đầu ối. Đầu ối có tác dụng bảo vệ, ngăn cản không cho vi trùng xâm nhập vào trong nó cũng góp phần làm cho tử cung giãn nở mở đường cho thai ra.
Vì vậy, khi cổ tử cung mở gần hết, nghĩa là đến lúc đẻ ối mới vỡ ra là tốt nhất. Nếu đầu ối vỡ trong khi chuyển dạ mà tử cung chưa mở hết, người ta gọi là ối vỡ sớm. Khi chưa chuyển dạ màng ối đã bị rách để nước ối chảy ra ngoài gọi là vỡ ối non. Ối vỡ non và sớm gây nhiều nguy cơ cho thai nghén và cuộc đẻ: Ối vỡ sớm sẽ gây đẻ non (khi thai chưa đủ tháng) làm thai bị suy, làm cho thai ở tư thế không thuận, có thể làm dây rau tuột theo ra (sa dây nhau) và nguy hiểm nhất là gây nhiễm trùng cho thai và cho bà mẹ.
Vì thế, ở bà mẹ mang thai, dù đã chuyển dạ hay chưa, nếu thấy ra nước bất thường ở âm đạo thì phải nghĩ đến bị vỡ ối và nên đến cơ sở y tế khám ngay để được xác định và xử trí đúng, kịp thời.