Mỗi năm, số phụ nữ tử vong do bệnh tim và đột quỵ nhiều hơn cả ung thư, bệnh lao, sốt rét và nhiễm HIV/AIDS cộng lại.
- Mỗi năm, số phụ nữ tử vong do bệnh tim và đột quỵ nhiều hơn cả ung thư, bệnh lao, sốt rét và nhiễm HIV/AIDS cộng lại. Khẩu phần ăn uống hợp lý có thể làm giảm huyết áp, tránh béo phì, tránh tăng đường máu và mỡ máu.
Phụ nữ khi nhận thức tốt về các yếu tố nguy cơ tim mạch sẽ là người bảo vệ, phòng ngừa bệnh tim mạch tốt nhất không chỉ cho bản thân mà cho mọi người trong gia đình. Nên chuẩn bị bữa cơm gia đình hài hòa, ít chất béo động vật, dùng dầu thực vật để chế biến thức ăn.
Ăn nhiều rau củ quả, ăn nhiều cá, ít nhất 3 lần/tuần, ăn thịt gia cầm hơn là ăn thịt mỡ, thịt heo bò, hạn chế da động vật và các đồ ăn có chứa nhiều cholesterol như trứng, tim, gan, hạn chế chiên xào, hạn chế dùng các loại bánh kẹo thực phẩm đóng gói có sử dụng dầu thực vật sẽ có nhiều trans fat.
|
Những người mắc bệnh tim mạch nên ăn cá 3 lần/tuần. |
Ngoài ra, mỗi ngày nên uống nhiều nước, ít nhất 6 ly. Không lạm dụng rượu, bia (mức cho phép rượu bia có lợi cho sức khoẻ tim mạch ở phụ nữ là không quá 2 đơn vị ngày, 1 đơn vị là 284ml bia 3,5% hoặc 125ml rượu vang 8%).
Cần tích cực vận động gắng sức, ít nhất 30 phút đi bộ mỗi ngày có thể giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim ở phụ nữ đến 50%. Luyện tập gắng sức hằng ngày có thể làm hạ huyết áp, hạ mỡ máu, giảm béo phì, giảm nguy cơ đái tháo đường và giảm nguy cơ ung thư tử cung, ung thư vú. Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh tim và đột quỵ bao gồm: Tăng huyết áp, cholesterol và glucose, hút thuốc lá, ăn không đủ lượng trái cây và rau quả, thừa cân, béo phì, hoạt động thể lực.
Ở phụ nữ còn có thêm yếu tố nguy cơ gây gia tăng bệnh tim mạch là mãn kinh và dùng thuốc ngừa thai. Phát hiện béo phì, đặc biệt béo phì bụng là rất nguy hiểm cho bệnh tim mạch. Những người bụng to có thể kiểm tra bằng cách đo vòng eo dưới 80cm là ổn. Biện pháp tối ưu để giảm cân là luyện tập và tiết thực. Giảm cân và duy trì cân nặng phải thực hiện trong thời gian dài, mỗi tháng giảm 2kg với tiêu chí giảm 10% so với cân nặng ban đầu.
ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Nga (Chuyên khoa Tim mạch, Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM)