Cựu Chánh tòa Hình sự đề nghị đình chỉ vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ

Google News

(Kiến Thức) - Ông Đinh Văn Quế, cựu Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng 2 ông Vũ Văn Đảo, Đinh Văn Quyết không phạm tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”, do vậy phải đình chỉ vụ án. 

Mới đây, ngày 30/8, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an TP Hồ Chí Minh ra Kết luận điều tra bổ sung Vụ án hình sự số 372-25/KLĐTBS-PC01-Đ3 (Kết luận điều tra bổ sung số 372-25) vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” xảy ra ngày 2/8/2013, ở biển Cần Giờ (TP HCM). 
Vụ án chìm ca nô ở biển Cần Giờ đã kéo dài 5 năm nay mà chưa có hồi kết. Vụ án này tốn nhiều giấy mực của báo giới cũng như tranh luận của các luật gia, luật sư. 
Cuu Chanh toa Hinh su de nghi dinh chi vu an chim ca no o Can Gio
Ông Đinh Văn Quế, cựu Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao bất bình với kết luận điều tra bổ sung của cơ quan CSĐT TP HCM về vụ án "chìm ca nô ở biển Cần Giờ". 
Ông Đinh Văn Quế, cựu Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam -  người đã nhiều lần lên tiếng về vụ án cho biết: Về vụ án này, trước đây tôi đã có 4 bản kiến nghị phân rất cụ thể về cơ sở lí luận, thực tiễn, cũng như các dấu hiệu của tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”, quy định tại Điều 214 Bộ luật Hình sự và khẳng định, hai ông Vũ Văn Đảo, Đinh Văn Quyết không phạm tội này.
Rất nhiều lần cựu Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao đề nghị đình chỉ vụ án. Tuy nhiên mới đây cơ quan CSĐT TP HCM tiếp tục đề nghị truy tố ông Vũ Văn Đảo (giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc) và Đinh Văn Quyết (giám đốc Công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina) về tội danh kể trên. 
Là người theo dõi vụ việc này từ những ngày đầu, ông Quế phân tích và khẳng định 2 ông Đảo và Quyết không phạm tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.
Ông Quế phân tích, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã hai lần trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, ở lần thứ hai thì Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh ra quyết định trả hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT, để giám định tàu kí hiệu BP 12-04-02 (phương tiện gây tai nạn), đồng thời ra quyết định tạm đình chỉ điều tra chờ kết quả giám định. Tuy nhiên, việc giám định cũng chỉ trên giấy tờ của chiếc tàu này, chứ không tiến hành “khám xét” và giám định thực tế chiếc tàu bị nạn.
Cơ quan CSĐT trưng cầu giám định tư pháp và tạm đình chỉ điều tra, cũng chưa đúng với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, vì việc kiểm tra hay “giám định” tàu bị nạn không phải là giám định tư pháp, mà chỉ là hoạt động thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, thời hạn điều tra bổ sung vừa hết, Cơ quan CSĐT lại ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, để chờ kết quả giám định là không đúng với quy định về giám định tư pháp, quy định từ Điều 155 đến Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự, vì nếu là giám định tư pháp, phải tuân theo các quy định của Bộ luật này.
Cuu Chanh toa Hinh su de nghi dinh chi vu an chim ca no o Can Gio-Hinh-2
Ông Vũ Văn Đảo (giám đốc công ty Việt Séc - mặc áo xanh) đang giới thiệu những ưu điểm của vật liệu PPC trong ngành đóng tàu trước đoàn công tác của Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội.
 
Ngay từ khi khởi tố vụ án, Cơ quan CSĐT đã không tiến hành thu hồi vật chứng (tàu gây tai nạn) theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và không tiến hành “khám xét” phương tiện, kiểm tra về kĩ thuật xem chiếc tàu BP 12-04-02 gặp nạn có bảo đảm an toàn hay không, mà vội vã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội: “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”?!
Khi xác định vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của mình, Cơ quan CSĐT có văn bản và chuyển tài liệu cho Cơ quan Điều tra hình sự (ĐTHS) Quân chủng Hải quân, để điều tra xử lí theo thẩm quyền, nhưng Cơ quan ĐTHS Quân chủng Hải quân có văn bản trả lời: Sai phạm của tập thể và cá nhân trong việc đăng kiểm tàu BP12-04-02, không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả vụ tai nạn chìm cano... Cơ quan ĐTHS Quân chủng Hải quân sẽ ra kết luận xác minh, đồng thời quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
Tại Kết luận điều tra trước đây, Cơ quan CSĐT cũng khẳng định: “Tàu BP12-04-02 là tài sản của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đang được Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu quản lí”. Vậy làm sao ông Đảo và ông Quyết có quyền điều động hay cho phép đưa tàu BP12-04-02 vào sử dụng?
Nói về việc “Chở quá số lượng người cho phép”, ông Quế phân tích, đó hoàn toàn không phải lỗi của ông Đảo và ông Quyết, mà là lỗi của “tài công” (người lái tàu). Không có bất cứ tình tiết nào của vụ án thể hiện ông Đảo và ông Quyết “ra lệnh” cho ông Phúc (tài công) chở quá số lượng người cho phép. Vì hôm xảy ra tai nạn, ông Đảo không đi cùng tàu BP 12-04-02 với mọi người, còn ông Quyết thì ở nhà.
Về việc sử dụng sai mục đích cũng không phải là nguyên nhân đến vụ tai nạn, nếu có thì đó cũng là lỗi trong hoạt động kinh doanh. Đây không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn.
Vì vậy, có thể khẳng định rằng, nguyên nhân gây tai nạn chỉ có thể là do lỗi của người điều khiển, không phải do phương tiện không bảo đảm an toàn.
Từ những lập luận trên, cựu Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao - Đinh Văn Quế tiếp tục kiến nghị đình chỉ vụ án. 
Đây là vụ án gây nhiều tranh cãi, được dư luận và giới luật quan tâm. 
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.
Kim Ngưu

>> xem thêm

Bình luận(0)