Thiếu gia ngân hàng kiếm bộn
Lợi nhuận ngành ngân hàng chưa có biến chuyển tích cực trong năm 2013 nhưng đầu năm 2014, cổ phiếu ngân hàng đã bứt phá mạnh. Sự hưng phấn của cổ phiếu ngành này giúp các thiếu gia cải thiện thứ bậc đáng kể trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Vị thiếu gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam là Trầm Trọng Ngân, con cả của đại gia ngân hàng Trầm Bê. Tính tới ngày 25/4, Trầm Trọng Ngân đã leo lên vị trí thứ 13 trong danh sách kể trên khi giá trị cổ phiếu STB mà ông Ngân nắm giữ tăng đáng kể.
Sau một tuần giao dịch, STB tăng 1.000 đồng/CP lên 20.100 đồng/CP. Đà tăng nhẹ của STB cũng đủ sức giúp ông Ngân có thêm 54,72 tỷ đồng vào tài khoản. Tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Ngân là 1.100 tỷ đồng.
|
Hai thiếu gia nhà đại gia ngân hàng Trầm Bê. |
Sở hữu ít cổ phiếu STB hơn anh trai Trầm Trọng Ngân, thiếu gia Trầm Khải Hòa vẫn đứng trong Top 40 với tổng tài sản lên tới 477,1 tỷ đồng. Tuần qua, nhờ STB, ông Trầm Khải Hòa “đút túi” 23,73 tỷ đồng. Như vậy, cả 2 thiếu gia nhà Trầm Bê đều kiếm được bạc tỷ trong tuần qua khi STB tăng giá.
Trong khi đó nhiều đại gia “có máu mặt” trong làng ngân hàng lại chịu không ít thiệt hại. Dù cổ phiếu ACB của gia đình bầu Kiên bị phong tỏa nhưng dư luận vẫn nhớ bầu Kiên và vợ sở hữu lượng cổ phiếu ACB không hề khiêm tốn. Vì vậy, khi ACB giảm 200 đồng/CP xuống 16.500 đồng/CP, khối tài sản này bị hao hút đáng kể.
Cụ thể, ACB “thổi bay” 7,03 tỷ đồng khỏi tài khoản của bầu Kiên và làm “bốc hơi” 7,7 tỷ đồng khỏi tài khoản của bà Đặng Thị Ngọc Lan, vợ bầu Kiên. Trước khi cổ phiếu bị phong tỏa, vợ chồng bầu Kiên có thể giao dịch được hơn 73 triệu cổ phiếu ACB.
Một đại gia ngân hàng lừng lẫy khác là ông Trần Mộng Hùng cũng mất mát nhẹ vì ACB. Tuần qua, ông Hùng mất 3,3 tỷ đồng. Mức độ thiệt hại của gia đình ông Hùng còn thiệt hại nhiều hơn nếu tính cả số cổ phiếu mà Trần Hùng Huy, con trai ông Hùng nắm giữ. ACB khiến tài sản của vị Chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng trẻ nhất Việt Nam hao hụt 5,75 tỷ đồng.
Giảm cùng ACB là cổ phiếu ngân hàng SHB. Sau 5 phiên giao dịch, SHB giảm 400 đồng/CP xuống 9.700 đồng/CP. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng SHB chịu thiệt hại 10,67 tỷ đồng từ sự sụt giảm của SHB
Đại gia vẫn kiếm bạc tỷ
Tuần qua, nhiều đại gia ngân hàng mất mát nhưng một số đại gia ở các lĩnh vực khác vẫn kiếm bộn. MSN là một trong những blue-chip có tốc độ đi lên mạnh nhất khi tăng 7.000 đồng/CP lên 96.500 đồng/CP. MSN giúp túi tiền của hai sếp lớn trong công ty cổ phần Tập đoàn Masan cải thiện đáng kể.
Cụ thể, nhờ MSN, bà Nguyễn Hoàng Yến, thành viên Hội đồng quản trị Masan “đút túi” 152,46 tỷ đồng. Ông Hồ Hùng Anh, phó tổng giám đốc Masan cũng có thêm khoản tiền không nhỏ lên tới 111,38 tỷ đồng. MSN hứa hẹn làm phồng to túi tiền của hai sếp lớn này khi vẫn duy trì tốc độ tăng điểm bền vững.
Đi lên chậm hơn MSN rất nhiều khi chỉ tăng 400 đồng/CP lên 11.300 đồng/CP nhưng OGC vẫn có thể khiến tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương cải thiện chút ít. Tuần qua, ông Thắm có thêm 54,57 tỷ đồng.
Ông Lê Phước Vũ, đại gia ngành thép cũng có thể tạm hài lòng khi HSG có tuần giao dịch khá thành công. HSG tăng 1.500 đồng/CP lên 51.500 đồng/CP. HSG “tặng” cho Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen 64,3 tỷ đồng. Dù tài sản tăng mạnh nhưng ông Vũ vẫn đứng ở nửa sau của Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong khi ông Dương Ngọc Minh, sếp lớn của Công ty Hùng Vương chịu thiệt hại bạc tỷ khi HVG sa sút thì bà Trương Thị Lệ Khanh, đối thủ của ông trong ngành thủy sản lại “hốt bạc” khi VHC tăng 900 đồng/CP. VHC giúp giá trị cổ phiếu mà bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty Vĩnh Hoàn 27,35 tỷ đồng.