Trước giờ tôi hay nghe kể về những bà mẹ chồng đanh đá, lấy chuyện hành hạ con dâu là thú vui. Mỗi lần nghe kể, tôi đều mạnh miệng chê bai những người con dâu đó quá cam chịu, phải biết vùng lên để giành lấy cuộc sống bình yên. Tôi còn khẳng định chắc nịch sống hiền chỉ để thiên hạ họ cười, sống hung dữ họ mới sợ và để mình yên. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày mình lại rơi vào hoàn cảnh như thế. Thật đúng là ghét của nào trời trao của đó.
Tôi mồ côi bố từ sớm, mẹ tôi bươn chải nghề bán cá ngoài chợ nuôi tôi học đến lớp 9. Bà một mực ép tôi tiếp tục học lên nhưng tôi không đành lòng nhìn mẹ dậy từ 2 giờ sáng để đi 40km lấy cá và ngồi cả ngày ngoài chợ. Tôi quyết định nghỉ học để đi phụ mẹ. Từ đó, khi mọi người còn ngủ thì tôi và mẹ lại đèo nhau đi trên con xe máy cà tàng xuống biển lấy cá tươi.
|
Cuộc mưu sinh bắt buộc tôi phải như thế để có thể sống yên ổn nhưng bản chất tôi không xấu. Ảnh: Trithuctre. |
Bán cá không đơn giản như tôi nghĩ. Từ một cô bé hiền lành tôi đã được luyện thành một cô gái đanh đá, có thể chửi hàng tiếng đồng hồ với những người bán cá khác. Mọi người khoan hãy trách cứ và cho rằng tôi bị mẹ chồng dằn mặt là đúng.
Cuộc mưu sinh bắt buộc tôi phải như thế để có thể sống yên ổn nhưng bản chất tôi không xấu. Với những người nghèo khổ, hiền lành đi mua cá, tôi đều bán bằng giá vốn hoặc chỉ lãi chút ít để họ có bữa ăn ngon. Chính vì thế mà hàng cá tôi luôn đông người mua.
Khi tôi 18 tuổi thì mẹ tôi không đi nữa mà một mình tôi đi lấy hàng. Số tiền lời hàng ngày tôi đều trích lại một ít bỏ heo đất, cuối tháng lại đập ra để đến chùa tặng cho mấy em nhỏ mồ côi. Tôi thương tụi nó vì tôi hiểu được sự thiệt thòi không gì bù đắp của một đứa bé mất cha.
Tôi quen chồng trong một lần tôi chở cá đi về đêm thì xe bị hỏng giữa đường. Dắt bộ xe đầy cá khi mới 5 giờ sáng, tôi muốn khóc. Lúc đó thì anh xuất hiện và ngỏ ý đẩy xe phụ tôi. Sợ người xấu nên tôi cố đi thật nhanh. "Hay em ngồi xe anh đi để anh dắt xe em. Con gái đi đêm hôm thế này nguy hiểm lắm". Nghe anh nói thế tôi mới yên tâm hơn để anh giúp mình.
Sau lần đó anh hay tới chợ để mua cá ủng hộ tôi. Rồi chúng tôi thân nhau hơn. Anh rủ tôi đi cà phê và ngỏ lời yêu khi tôi tròn 22 tuổi. Vài tháng sau thì chúng tôi tổ chức đám cưới. Nhưng mới về sống với mẹ chồng một tuần mà tôi đã điên đảo cả lên, chỉ muốn ôm đồ về nhà đẻ.
Khi yêu, tôi cũng đến nhà anh chơi vài lần và nhận định rằng mẹ anh cũng là người không vừa. Về sống chung mới thấm thía sự cay đắng.
Đêm tân hôn, khi họ hàng về hết cũng là lúc tôi ngồi rửa đống bát đũa còn lại. Chồng tôi thấy thế ra phụ vợ. Chúng tôi đùa giỡn với nhau và vô tình tôi làm rơi một cái bát. Mẹ chồng nghe thấy tiếng vỡ liền chạy xồng xộc ra rồi chống nạnh: "Đúng là cái thứ không ra gì, rửa mấy cái chén cũng không nên thì lấy chồng làm gì? Kiểu này tao trả về nhà đẻ".
Chồng tôi phải nói đỡ là anh làm vỡ chứ không phải tôi, bà mới chịu im. Tôi cố kìm lòng để không khóc nhưng tôi biết bà đang muốn dằn mặt tôi ngay từ đầu. Quả nhiên ngay sau đêm tân hôn mẹ chồng đã nói thẳng tôi phải bỏ nghề nếu không muốn bỏ chồng. Bà không chấp nhận chuyện con dâu buôn bán ngoài chợ. Tôi không đồng ý thì bà gọi điện ngay cho mẹ tôi. Tôi tức lắm nhưng không thể cãi tay đôi được vì không muốn làm ảnh hưởng đến mẹ mình.
Chuyện khiến tôi chán nản nhất là ngay cả việc tôi đi làm từ thiện cũng bị mẹ chồng cấm đoán. Thấy tôi mua quà bánh về chia phần, bà hỏi để làm gì. Tôi vui vẻ nói thật là để mai tôi đem đi cho mấy em mồ côi. Ngay tức thì bà chửi tôi "phung phí, căn cơm nhà vác tù và hàng tổng, không biết chăm lo cho gia đình toàn làm việc bao đồng…". Không thể nhịn được, tôi cãi lại vài câu liền bị vu thêm tội "hỗn láo với mẹ chồng, không biết lễ phép".
Thế đấy, hỏi mọi người tôi có quá đáng và đáng bị chửi thế không? Tôi đang muốn đợi chồng về rồi hỏi thẳng ý anh: chọn vợ hay chọn mẹ chứ tôi mệt mỏi quá rồi.