Bạn than phiền về việc không nhờ cậy được chồng việc gì, anh ấy không giúp được gì cho vợ con. Có bao giờ bạn nghĩ, chính từ những hành động sai lầm của bạn mà anh ấy trở thành người như vậy?
Dưới đây là những lỗi của vợ khiến chồng trở nên vô trách nhiệm trong nhà:
Ôm đồm hết mọi việc trong nhà
Một trong những đức tính đáng quý của phụ nữ là sự hi sinh. Nhưng khi họ làm điều đó một cách thái quá, nghiễm nhiên sẽ tạo ra sự lười biếng và ỷ lại cho chồng.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, bạn lao đi đón con, đi chợ, nấu cơm, dọn nhà, rửa bát, đổ rác, giặt đồ… Người vợ làm tất cả mọi thứ vì nghĩ chồng đi làm kiếm tiền cũng mệt rồi. Khi bạn mặc định biến mình thành cái máy làm mọi việc trong nhà và để chồng thản nhiên ngồi rung chân xem tivi, bạn đang tự tước đoạt đi quyền của mình và làm cho chồng trở nên ích kỉ.
|
Ảnh minh họa. |
Ai cũng phải kiếm tiền và ai cũng phải vì gia đình. Việc nhà là trách nhiệm chung của cả hai vợ chồng. Bạn nên có một kế hoạch phân công công việc rõ ràng như: Anh ấy đón con sau giờ làm, còn bạn đi chợ, khi bạn nấu cơm, anh ấy phơi đồ, khi bạn rửa bát, anh ấy sẽ đi đổ rác… Hãy đảm bảo anh ấy cũng phải tự ý thức được hết trách nhiệm của mình.
Việc bạn ôm đồm mọi việc vào thân chỉ khiến bạn mệt và cũng đừng nghĩ như vậy sẽ khiến chồng cảm kích.
Không nói gì về chứng nghiện công nghệ của chồng
Tối ngày chồng bạn dán mắt vào máy tính, điện thoại… Bạn cảm thấy mệt mỏi khi anh ấy không hỗ trợ việc nhà, không chơi với con hoặc không dành thời gian cho vợ…Nhưng nếu bạn cứ im lặng, bạn đang tạo cho anh ấy một rào cản lớn trong gia đình.
Hãy góp ý với chồng thói quen xấu này của anh ấy đang ảnh hưởng tới tình cảm các thành viên trong gia đình. Anh ấy nên dành thời gian rảnh rỗi để chơi với con hoặc tâm sự vợ chồng. Tuy nhiên, trước khi góp ý với chồng điều này, bạn cũng cần chắc chắn rằng chính mình cũng không mắc chứng nghiện công nghệ như anh ấy.
Ra quyết định tài chính mà không hỏi ý kiến chồng
Phần lớn trong gia đình, phụ nữ là người quản lí kinh tế, chi tiêu. Từ tiền ga, xăng xe, thuê nhà, điện nước, tiền ăn… đều do một tay vợ tính toán. Những vấn đề đó bạn có thể nắm giữ. Tuy nhiên, trước những việc cân đối ngân sách chi tiêu, cần có sự bàn bạc vợ chồng.
Trước khi bạn nắm giữ tiền sinh hoạt, hai vợ chồng cần thống nhất mỗi tháng chi bao nhiêu cho sinh hoạt phí, bao nhiêu dành dụm cất đi, bao nhiêu vào các khoản phát sinh… Sau khi có được quyết định chung, cứ thế áp dụng và đi theo tiến trình. Bạn không nên tự ý quyết tất cả mọi vấn đề tài chính trong nhà mà không hỏi ý kiến chồng. Điều này rất dễ gây ra bất mãn cho chồng hoặc khiến anh ấiy không tin tưởng bạn.
Bác bỏ ý kiến của chồng về nuôi dạy con cái
Bản năng làm mẹ của phụ nữ rất lớn nhưng đôi khi hơi thái quá. Bà mẹ nào cũng muốn những điều tốt đẹp nhất đến cho con mình nhưng điều đó không có nghĩa là chồng bạn làm điều tồi tệ cho con. Hãy để anh ấy có quyền được dạy con, hướng dẫn con theo cách của mình. Đừng áp đặt con phải nghe theo một mình quan điểm của mình, bác bỏ quyền được dạy dỗ con của chồng.
Anh ấy có thể không nhiều kinh nghiệm như bạn nhưng con cũng cần phải có sự định hướng từ quan điểm của một người cha. Hãy nhớ rằng, anh ấy là cha của con bạn và bé sẽ thiếu sự phát triển cân đối nếu thiếu sự quan tâm từ bố. Anh ấy cũng yêu con nhiều như bạn vậy.
Luôn tự làm hết mọi việc mà không nhờ chồng
Đừng nghĩ làm điều này chồng sẽ đánh giá cao năng lực của bạn, cho rằng bạn là một người vợ đảm đang.Trong gia đình, người chồng nào cũng muốn trở thành chỗ dựa của vợ con. Và khi vợ cứ tự mình làm hết mọi chuyện (dù là làm tốt đi chăng nữa), lâu dần sẽ tạo cho chồng tâm lí: “không cần mình cô ấy vẫn ổn””.
Đừng bao giờ tự làm hết mọi thứ hãy nhờ cậy anh ấy giúp một phần.
Một người chồng trách nhiệm hay vô trách nhiệm phụ thuộc rất lớn vào sự khéo léo của vợ trong gia đình. Chỉ cần tinh tế một chút, bạn sẽ khiến mình bớt mệt mỏi và chồng trở nên tốt hơn gấp bội.
>>> Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn Youtube):