Gần 60 tuổi bố mẹ chồng tôi mới có được đứa cháu ngoại nên cưng như vàng. Từ nhỏ ông bà đã đón nó về chăm sóc vì ông bà nội bận đi làm. Khi về làm dâu tôi cũng chẳng suy nghĩ gì, thấy bà chăm sóc cháu ngoại như vậy tôi như mở cờ trong bụng và nghĩ rằng sau này bà cũng chăm cháu nội như thế.
Hơn một năm sau, tôi sinh được đứa con trai, cả nhà ai cũng phấn khởi, vui mừng nhưng bà lại không, bà bảo con nào cũng được, gái mới quý chứ trai thiếu gì. Lúc tôi sinh cũng là thời điểm chị chồng mang cháu ngoại sang gửi vì nhà xây mới. Từ đây mới bắt đầu xuất hiện những vết loang trong mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu của tôi.
Mẹ chồng tôi chỉ lo hôm nay cháu ngoại ăn gì, mặc gì còn cháu nội đương nhiên sẽ do “mẹ nó chăm sóc”. Có lần, cháu nội nằm ghế xe chơi nấc, bà đi qua cũng không bế hay dỗ gì mà chỉ chăm chăm cho cháu ăn.
|
Mẹ chồng tôi chỉ lo hôm nay cháu ngoại ăn gì - Ảnh minh họa: Internet |
Hay như có nhờ bà bế một lát bà lại giục “nhanh lên bà còn nấu cháo cho chị, tắm cho chị…”. Cháu ngoại bị muỗi cắn, ốm là bà lo sốt vó lên, thậm chí, ông bà nội con bé vào đón bà cũng không muốn cho đi chơi.
Tôi có nói chuyện này với chồng vì sợ anh cho rằng tôi tị nạnh. Anh luôn cho rằng bà yêu quý các cháu như nhau, không được so đo.
Nhưng quả thực, chồng tôi đi làm cả ngày không thể hiểu được, cái cảm giác con mình nằm khóc mà bà không thèm bế nó dậy, chỉ cho cháu ngoại ăn, ngủ. Rồi ai đến cũng kể cháu ngoại, cháu nội thì chê đanh đá, hay khóc…. Đối với bà, cháu ngoại như là “cả thế giới”. Tôi không biết phải làm sao bây giờ nữa. Cứ như thế này chắc tôi phát điên.
Lâu nay, mối quan hệ giữ mẹ chồng nàng dâu cũng từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống mà ra. Khi có cháu rồi, thì mối quan hệ càng rõ ràng hơn. Việc yêu thích cháu nào hơn cháu nào cũng là một ví dụ điển hình.
Theo chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung ((nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, học viện Báo chí và Tuyên truyền) đây chính là một cách đối xử với nhau trong cuộc sống. Một số ông bà có tương tưởng thương cháu ngoại hơn cháu nội vì cháu ngoại ở xa, cháu nội ở với mình cả đời. Cách cư xử này quả thực là một sai lầm lớn.
Khi trẻ còn nhỏ, có thể chúng chưa có cảm nhận nhưng khi lớn lên, chúng sẽ nhìn cách cư xử của người lớn để mà trưởng thành, hình thành lên tính cách. Việc yêu, chăm sóc cháu ngoại hơn sẽ khiến cho đứa còn lại cảm thấy bị bỏ rơi. Dần dần sẽ khó khăn trong việc thiết lập, duy trì các mối quan hệ sau này.
Chính vì thế, trước hết nàng dâu nên đánh mạnh vào tư tưởng của mẹ chồng bằng cách yêu thương cháu ngoại của bà như chính con mình. Khi thấy con dâu hành xử như vậy thì không có bà mẹ chồng nào lại không nhìn nhận ra vấn đề. Đừng mặt nặng mày nhẹ, đừng nói bóng gió. Nếu làm như thế sẽ khiến cho mối quan hệ chỉ thêm căng thẳng hơn mà thôi. Bởi, nội hay ngoại thì đều là con cháu của mình, ai chẳng thương chẳng mến.
Đừng vì một chút so đo yêu ghét mà mất hòa khí hai bên. Trong gia đình, nếu như mối quan hệ giữa bố mẹ với các con, cháu được xây dựng tốt thì chắc chắn sẽ không có những xích mích không đáng có từ chuyện cháu nội, cháu ngoại. Hơn nữa, các nàng dâu hãy có tấm lòng bao dung, cùng chia sẻ yêu thương thì chắc chắn gia đình sẽ được yên ấm và hạnh phúc.