Cuối cùng họ làm thế nào để xác định thay vì “xẻ đôi” con bê để giải quyết?
Câu chuyện hy hữu này xảy ra ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị vào tháng 10/2015 giữa hai hộ dân là ông Trịnh Minh T. và bà Phan Thị H.
Theo đó, cả 2 gia đình đều có bò thả theo đàn ở khu vực đồi núi. Người dân nơi đây có tập tục chăn nuôi bò thả rông trên rừng cả tuần, thậm chí cả tháng mới đi tìm một lần, do đó nhiều gia đình mất bò hoặc chuyện bò đi lạc là rất thường tình.
Sau một thời gian họ lùa đàn bò về và phát hiện có một con bê mới sinh.Con bê cái, lông màu vàng sẫm đã trở thành vật bị tranh chấp bởi không ai biết chính xác nó là “sản phẩm” của con bò mẹ nào.
Khăng khăng nhận của nhà mình, bà H. khẳng định ông T. là kẻ ăn trộm bò. Ông T. quá uất ức cho rằng chính bà H. mới là kẻ trộm vàtố cáo lên cơ quan chức năng việc bị người phụ nữ này xúc phạm danh dự.
Ban đầu, Cơ quan chức năng tại địa phương đã giải quyết bằng phương pháp dĩ hòa vi quý tức là bà H. đưa cho ông T. số tiền là 3 triệu đồng để bà nhận con bê hoặc ngược lại nhưng cả hai bên đều không đồng ý.
|
Quyết định trưng cầu giám định ADN của TAND tỉnh Quảng Trị. |
Cuối cùng họ đưa nhau ra TAND tỉnh Quảng Trị. Tòađã phải sử dụng giải pháp là nhờ Trung tâmxét nghiệm Loci AND giám định ADN cho con bê để xác nhận chủ nhân thực sự của nó.
Con bò giá trị bằng một nửa tiền xét nghiệm nhưng ông T.sống đến bậc lão làng lại bị đổ tội ăn trộm bò rất uất ức nên quyết tâm theo đuổi vụ việc đến cùng.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Giám đốc Trung tâm xét nghiệm Loci AND chia sẻ: “Cán bộ của Trung tâm đã phải về tận nơi để lấy mẫu sừng, lông và máu của con bò đang tranh chấpvà 2 con bò mẹ được nuôi tại nhà ông Trịnh Minh T. và bà Phan Thị H. để giám định Gen”.
Nhưng điều khá bất ngờ là kết quả xét nghiệm là 3 con bò này cùng huyết thống với nhau.
Ông Hùng cho biết: “Ba con bò này cùng một dòng họ mẹ bởi chúng được thả theo đàn trên núi. Do đó có thể con bò mẹ của nhà ông T. đã đẻ ra con bê tranh chấp này. Nhưng con bê con này cũng có quan hệ cháu-bác gáivới con bò của nhà bà H hoặc ngược lại nên 3 bộ Gen này hoàn toàn giống nhau. Cuối cùng Tòa giải quyết phương án mỗi người được một nửa giá trị của con bê”.
Đây không phải là trường hợp hi hữu bởi trước đó, Trung tâm này cũng từng làm xét nghiệm cho bò đến từ Mường Tè, Lai Châu.
Ông Hùng cho biết thêm, bình thường các vụ tranh chấp bò sẽ có 3 con (1 con bị tranh chấp và 2 con bò mẹ) nhưng trường hợp này chỉ có 2 con bò phải xét nghiệm.
TAND huyện Mường Tè, nơi thụ lý vụ án tranh chấp bò, cho biết,ngày 29/2/2016, Tòa nhận được đơn kiện của nguyên đơn A. Theo đó ông A. (ở xà Tà Tổng, huyện Mường Tè) tố cáo anh B. ăn trộm 1 con bò của mình. Nhưng B. khẳng định đây là bò nhà anh ta và không có bằng chứng nào chứng minh anh ta ăn trộm bò. A. quá tức giận kiện ra Tòa để đòi lại con bò. Nhưng trước Tòa người này không có bằng chứng gì thuyết phục đây là con bò bị mất. Cuối cùng Tòa phải cho xét nghiệm AND.
Cũng xin nói thêm, B. có khá nhiều tai tiếng về việc trộm bò của dân bản nhưng do chưa có chứng cứ nên chưa lần nào hắn phải nhận tội.
Với trường hợp này, Trung tâm chỉ việc xét nghiệm ADN của con bò bị mất trộm và con bò mẹ ở nhà người bị mất trộm. Nếu cùng huyết thống đấy sẽ là chứng cứ xác đáng cho việc vạch mặt tên trộm ngoan cố.
Với trường hợp này Trung tâm không phải đến tận nơi lấy mẫu mà mẫu được Chi cục thú y huyện Mường Tè gửi xuống Hà Nội. Theo đó, Chi cục thú y lấy 5 mẫu lông đuôi, 3 giọt máu thấm vào 3 tăm bông để khô tự nhiên trong 10 phút của cả 2 con bò cho vào bì thư dán kín, niêm phong.
Ông Hùng chia sẻ thêm: “Hiện tại ở Hà Nội cũng đang rất sốt về vấn đề xác định ADN cho động vật. Người ta có thể bỏ ra 20-30 triệu để mua một con chó cảnh về nuôi. Nhưng một số giống chó khá giống nhau và thấy ai cũng vẫy đuôi, vui mừng không phân biệt người quen người lạ.Khi bị sổng ra ngoài có thể nó bị bắt. Lúc này chủ của con chó làm sao có thể chứng minh con chó này là của mình vì với người lạ con chó vẫn vẫy đuôi, vui vẻ.
Bây giờ chỉ còn cách phải làm thẻ ADN cho chó. Theo đó, sau khi mua chó về người chủ đưa thú cưng đến Trung tâm đề nghị xác định AND và làm thẻ ADN lưu tại trung tâm. Sau khi chó đi lạc người chủ có thể đưa con chó đến trung tâm để xét nghiệm nếu trùng với thẻ ADN đã lưu trước đây thì sẽ có bằng chứng khẳng định đấy là chó của mình. Chi phí cho mỗi con từ 3- 5 triệu nhưng các chủ nuôi đều sẵn sàng bỏ ra để đảm bảo tính sở hữu với thú cưng”.
Mời quý độc giả xem video Trâu điên tấn công người ở Lâm Đồng (nguồn VTV):