Anh T.C (ở Vĩnh Long) gặp bạn gái lần đầu tiên trong bữa tiệc của người bạn chung và rất cảm mến cô. Sau thời gian tìm hiểu, anh lấy hết can đảm tỏ tình và may mắn được chấp nhận. Theo thời gian, anh càng yêu thương, muốn che chở và gắn bó với người con gái này suốt đời.
Chân ái cuộc đời
Điều khiến anh T.C ấn tượng nhất với bạn gái là thái độ của cô ấy trước tiền bạc. Trong khi nhiều cô gái khá thoải mái tiêu tiền của người yêu, bạn gái anh rất độc lập.
“Em không bao giờ đòi hỏi tôi chiều chuộng bằng những món đắt tiền. Nếu tôi tặng quà, hôm sau em sẽ chủ động tặng tôi món quà khác giá trị tương đương. Ngay cả khi hẹn hò, cô ấy thường chủ ý chọn nơi bình dân hoặc đôi lúc khéo léo trả tiền nước, đồ ăn khiến tôi rất trân trọng. Biết người bố bỏ rơi cô ấy từ nhỏ, tôi càng cảm mến, muốn bù đắp cho em. Những ngày bên nhau ngọt ngào khiến tôi chắc chắn tìm được chân ái cuộc đời, ngỏ lời muốn cưới”, anh T.C tâm sự.
Anh T.C khá tự tin bước vào đời sống hôn nhân. Bản thân có công việc ổn định, là con một trong nhà, bố mẹ có điều kiện kinh tế không quá tệ nên ủng hộ đôi trẻ bằng một căn hộ ở huyện. Biết nhà gái chỉ có hai mẹ con, bố mẹ anh đồng ý để con trai đón mẹ vợ tương lai về ở cùng phụng dưỡng, ngỏ ý tặng sính lễ 100.000 triệu đồng.
|
Ảnh minh họa. |
Hủy hôn phút 89
Không ngờ, vào ngày hai gia đình nói chuyện, mặt bố mẹ anh T.C biến sắc khi nghe nhà gái đòi hỏi 300 trăm triệu. Điều đáng bàn, thái độ mẹ vợ tương lai của anh T.C rất gay gắt, cho rằng con gái bà xứng đáng với mức tiền sính lễ đó. Cả đời bà gom góp nuôi con không gả vào hào môn thì sính lễ cũng cần tươm tất.
Nếu là trước đây, số tiền này không thể gây áp lực với gia đình anh T.C. Ngặt nỗi, bố mẹ anh đã dồn toàn bộ tiền tiết kiệm mua căn hộ cho con nên rất khó xoay xở. Dù vậy, họ vẫn cố gắng vun đắp cho hôn nhân của con trai, vay mượn họ hàng khắp nơi để lo đủ khoản tiền đó.
Những tưởng đám cưới vẫn diễn ra theo kế hoạch. Nào ngờ, trước hôn lễ một ngày, mẹ vợ tương lai của anh T.C mời con rể ăn tối. Anh T.C vốn coi bà như mẹ đẻ nên vui vẻ cùng bạn gái về nhà dùng bữa.
“Mâm cơm khá thịnh soạn, ba người ăn uống vui vẻ. Đến nửa bữa, mẹ vợ hỏi tôi việc chuẩn bị đám cưới. Tôi thông báo mọi việc đã sẵn sàng, chỉ đợi ngày mai rước dâu. Nghe tới đây, mẹ vợ nghiêm giọng nói có điều cần thảo luận lại. Nhà gái không hài lòng với quà sính lễ ban đầu, mà yêu cầu phải thêm 200 triệu nữa, nếu không thì đừng đón dâu. Nhìn sang bạn gái để ‘cầu cứu’, tôi càng thất vọng hơn, không ngờ cô ấy mặt lạnh tanh”, anh T.C kể lại.
Đến nước này, anh T.C không ngại nói thật số tiền sính lễ đầu tiên đã là quá sức. Bố mẹ anh không muốn con trai lỡ mối duyên này nên chỗ nào vay được đều đã vay. 200 triệu đòi hỏi thêm gần như không thể có được, dù có cầm cố căn hộ thì ngân hàng cũng khó giải ngân ngay ngày mai. Vả lại, vay mượn thì sau này vợ chồng anh cũng là người trả.
Anh phân tích, thuyết phục hết lời nhưng mẹ và bạn gái không thay đổi. Nhìn hai người phụ nữ trước mặt, tự nhiên anh thấy họ thật xa lạ. Anh không thể hiểu người con gái dịu dàng, độc lập, biết trước sau như cô ấy lại có thể vì 200 triệu mà đánh đổi hôn nhân.
“Trở về nhà, suốt đêm tôi không ngủ. Tôi tự trách bản thân không đủ tài chính đáp ứng yêu cầu mẹ vợ. Nhưng tôi băn khoăn một điều rằng sắp là người một nhà, không hiểu vì lý do gì nhà gái lại thay đổi phút chót. Phải chăng đây chỉ là cái cớ để họ từ chối tôi? Hay cô ấy đã thay lòng đổi dạ, có “mối” tốt hơn? Dù là gì, tôi không thiết tha gắn kết với người không đồng cảm, so đo thiệt hơn nữa. Cỗ bàn đã chuẩn bị, tôi vẫn quyết định từ hôn. Người không có sự đồng cảm, trước sau cũng lìa tan, làm sao có thể gắn bó lâu dài!”, anh T.C trải lòng.