Đặc biệt, chồng chị lại thích ăn Tết ở ngoại hơn với lý do "có cảm giác lạ"... chuyện Tết nhà chị Thanh ai nghe cũng bảo đúng là "hàng hiếm".
Mẹ ngày xưa cũng thế
Trong khi bạn bè thi nhau than thở về "tội" mất công bằng của chồng khi phân chia lịch nghỉ Tết bao giờ cũng ưu ái cho nhà chồng, có người quê chồng quê vợ cách xa nhau, thậm chí Tết còn chẳng được về nhà ngoại thì chuyện của chị Thanh khiến tất cả ngạc nhiên rồi trầm trồ "may mắn", "tốt số" quá.
Chị Thanh quê ở Phú Thọ, lấy chồng người Thạch Thất, Hà Nội. Gia đình chị kinh tế khá giả, chị là con gái út được bố mẹ rất mực cưng chiều, không quen phải làm lụng. Khi chị lấy chồng, nhiều người "dọa" làm dâu ở vùng quê vẫn còn nhiều lễ giáo, tập tục sẽ rất vất vả, chịu nhiều áp lực, chị cũng thấy lo lắng. Thế nhưng, từ khi lấy chồng, mọi lo lắng của chị đều không thành hiện thực.
"Ngay từ năm đầu tiên mới cưới, mẹ chồng tôi đã gọi hai vợ chồng tới và bảo, Tết này mẹ cho phép hai vợ chồng về ăn Tết ở nhà ngoại. Tôi ngỡ ngàng không tin vào tai mình vì nghe nói, ở quê chồng tôi năm đầu tiên dâu mới có lệ phải đi chào, chúc Tết làng xóm, họ hàng và được mọi người mừng tuổi. Chưa kể các bác anh chồng tôi đều đã ra ở riêng, nếu vợ chồng tôi mà về ngoại, trừ những lúc con cháu tới chơi, chỉ còn bố mẹ chồng trong mấy ngày Tết".
Chị Thanh bảo, lúc đó chị nghĩ hay vợ chồng chị ăn ở có điều gì không phải khiến ông bà giận. Như đoán được tâm tư con dâu, mẹ chồng chị cười bảo: Đây là Tết đầu tiên con xa nhà, chắc chắn sẽ rất buồn, nhớ gia đình, ngày xưa mẹ cũng thế nên mẹ hiểu. Con như vậy thì mẹ cũng chẳng thể vui được. Sau này con quen dần, coi đây như nhà mình rồi thì lúc đó lại khác. Thôi mẹ cho cả hai đứa về ngoại, cũng là cách động viên tinh thần ông bà bên đó.
|
Năm nay trước Tết cả tháng, chị Thanh đã về nội dọn dẹp nhà cửa. |
Tết nhà mình mãi cũ rồi
Thế là năm đó, chị Thanh "tung tăng" được về nhà bố mẹ đẻ từ 26 Tết, mãi tận mùng 2 mới về nhà chồng. Tôi hỏi chị Thanh, mẹ chồng chị thương con dâu vậy đã đành, nhưng còn chồng chị, đàn ông nhiều người có suy nghĩ phụ nữ "lấy chồng thì phải theo chồng", chẳng nhẽ anh lại không lăn tăn, đồng ý luôn với quyết định của mẹ hay sao, chị Thanh tủm tỉm: "Anh ấy cũng chẳng vui vẻ luôn đâu. Nhưng chắc cũng thương vợ nên chấp nhận, với lại lúc đó mới cưới mà, đang giai đoạn mật ngọt. Nhiều người bảo, ở công ty là sếp hét ra lửa cứ tưởng ở nhà cũng sẽ gia trưởng lắm, không ngờ lại vậy. Ngay đến tôi còn bất ngờ nữa là".
Tuy nhiên, có một điều khiến chị bất ngờ hơn nữa, đó là việc chồng chị từ khi lên ngoại ăn Tết thì lại thích luôn Tết ở ngoại. "Nhà tôi ở vùng miền núi, Tết có nhiều hội hè, trò vui. Ăn uống thì toàn đặc sản miền rừng. Anh em lại đông, quý rể, suốt ngày rủ anh ấy đi chơi, nhậu nhẹt anh ấy thích lắm. Anh ấy bảo, ăn Tết nhà nội hơn 30 năm cũ quá rồi, giờ về ngoại cho nó lạ, nó mới. Từ đó, năm nào hai vợ chồng chúng tôi về ngoại đón giao thừa, tới mùng 2 mới về nội".
Tôi hỏi chị Thanh, bố mẹ chồng chị không phản đối lịch ăn Tết "lạ đời" đó của hai vợ chồng hay sao, chị Thanh chia sẻ: "Thực ra còn vì một lý do nữa là mùng 3, nhà chồng tôi có giỗ. Và bắt đầu từ thời gian này trở đi quê chồng tôi có nhiều lễ hội, chồng thì kín lịch các cuộc họp mặt với bạn bè nên nếu ở nhà chồng trước Tết mùng 2 về ngoại thì lại không phù hợp. Bố mẹ chồng tôi thấy thế nào thích hợp thì thông cảm với các con chứ cũng không ép buộc".
Hai vợ chồng tôi ở Mỹ Đình, khoảng 24 được nghỉ Tết là về quê cùng ông bà nội sắm sửa, chuẩn bị chu đáo cho ngày Tết rồi mới về nhà ngoại. Tôi từ nhỏ sống như tiểu thư nhưng khi về nội cũng xắn tay áo làm lụng không nề hà việc gì. Ngoài ra, dù ông bà có lương nhưng tháng nào tôi cũng gửi chút tiền cho bố mẹ bồi dưỡng. Ông bà nghĩ đến mình, thì mình cũng có tấm lòng đáp lại, thế là tất cả đều thấy ấm áp. |
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU