Nghịch cảnh thưởng tết 2013: Kẻ cười... người khóc

Google News

(Kiến Thức) - Vừa qua Vụ Lao động - Tiền lương đã có báo cáo về tiền lương, tiền thưởng năm 2012, cho thấy một nghịch cảnh lớn về mức thu nhập giữa những người lao động.

Vẫn có thưởng tết khủng

Theo báo cáo từ Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) năm 2012, thống kê từ hơn 11.000 DN ở 63 tỉnh thưởng Tết năm 2013, tiền lương bình quân của người lao động năm 2012 là 4,3 triệu đồng, tăng 12% so với năm 2011 (với khoảng 3,8 triệu).

Cụ thể, mức tiền thưởng Tết dương 2013 có mức trung bình 1,1 triệu đồng mỗi người, tăng 18% so với năm 2012. Người có mức thưởng cao nhất tại doanh nghiệp FDI ở TP Hồ Chí Minh đạt 624,2 triệu đồng. Tuy nhiên có một một số doanh nghiệp khó khăn không thưởng Tết.

Về thưởng Tết âm lịch Quý Tỵ, báo cáo chung cho biết các DN báo cáo trong kế hoạch đều có thưởng Tết âm lịch, mức thưởng cho mỗi người lao động là 3,5 triệu đồng (năm 2012 là 3,2 triệu đồng), tăng khoảng 8,7%. Đặc biệt một doanh nghiệp FDI Đồng Nai chi trả cao nhất, lên tới 650 triệu đồng.

 Mức thưởng Tết Quý Tỵ cao nhất đạt 650 triệu đồng

Trên 10.000 người bị nợ lương 

Nhìn nhận về tình hình chung, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động và Tiền Lương (Bộ LĐTB&XH) cho rằng: Báo cáo lương, thưởng Tết hiện nay mới là thống kế từ  hơn 11.000 doanh nghiệp, chỉ tương đương 3% số đang hoạt động, với hơn 2 triệu lao động (chiếm 16%).  Lãnh đạo Bộ LĐ- TB&XH cũng nhìn nhận thực tế, tiền lương và tiền thưởng Tết của người lao động năm 2012 có xu hướng tăng so với năm trước, nhưng chỉ đủ bù đắp trượt giá.

 Trên thực tế, có vô số DN không thể trả lương cho người lao động.

Vụ Tiền lương mới nhận được báo cáo của 27 tỉnh, thành, trong đó một số tỉnh nợ lương, bảo hiểm xã hội lớn như Hà Nội, TPHCM chưa có báo cáo. Mặc dù vậy, con số người lao động bị nợ lương đã lên trên 10.000 người, tổng số tiền nợ lương lên tới hơn 70,7 tỷ đồng.

Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Trần Văn Luận cũng cho hay, tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội đã diễn ra nhiều năm, mỗi năm khoảng 3.000 tỷ đồng. 

Bà Tống Thị Minh cho biết, trước tình hình kinh tế khó khăn, hơn 50.000 doanh nghiệp đóng cửa chờ giải thể, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Bộ đã có văn bản, công điện đề nghị chăm lo cuộc sống của người lao động; yêu cầu chủ doanh nghiệp trên địa bàn phổi hợp tổ chức công đoàn quan tâm đến thưởng cho người lao động.

Khoảng cách chênh lệch quá lớn

Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động và Tiền Lương thừa nhận, mức thưởng bình quân chỉ 3,5 triệu đồng, trong khi mức cao nhất lên tới hơn nửa tỷ đồng (chênh lệch gần 200 lần), tức là có nhiều doanh nghiệp chỉ thưởng cho người lao động vài chục ngàn đồng, thậm chí thay bằng hiện vật để đón tết. 

Mặt khác, tiền lương, thưởng cũng một phần phản ánh bức tranh chênh lệch mức sống của xã hội Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy mức chênh lệch giữa nhóm 20% thu nhập cao nhất và nhóm 20% thu nhập thấp nhất trong năm 1995 là khoảng 7 lần, nó đã tăng lên 9,2 lần vào năm 2011. Dĩ nhiên, đây chỉ là những con số bề nổi, còn những con số nằm bên dưới “tảng băng trôi” thì chẳng có thước đo nào có thể đong đếm.
 

Đ.L (Tổng hợp)

Bình luận(0)