Xe đạp điện Trung Quốc, thảm họa mới của giao thông Việt

Google News

Lộn xộn từ nguồn gốc, chất lượng tới sử dụng, xe đạp điện Trung Quốc được cho là sẽ trở thành thảm họa mới cho nền giao thông Việt Nam.

Nhập nhèm nguồn gốc
Từ vài năm trở lại đây, lượng xe đạp điện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng… tăng khá mạnh. Có những thời điểm mặt hàng này trở nên cháy hàng khi mà nhiều học sinh, người lớn tuổi hay các bà nội trợ đua nhau sắm xe đạp điện để đi lại.
Những lời quảng bá cực hấp dẫn về cái gọi là chi phí siêu thấp (chỉ vài chục đồng/km) khi sử dụng mà những người bán hàng vẽ ra khi chào mời khách mua xe đạp điện khiến nhiều người “mê mẩn” và dễ dàng bỏ qua những nghi vấn về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.
 Hiểm họa mới cho nền giao thông Việt Nam.
Thực tế khảo sát cho thấy phần lớn các loại xe đạp điện đang bán trên thị trường đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và một con số không hề nhỏ trong đó là hàng nhái mượn tên của các thương hiệu nổi tiếng như Honda, Yamaha. Những loại xe này thường có giá từ 7 triệu đồng đến 13-14 triệu đồng cùng lời hứa bảo hành 1 năm của người bán hàng.
Nếu thời gian trước, các cửa hàng phân phối mặt hàng này chỉ tập trung ở một số khu phố như Bà Triệu, Tây Sơn, Tôn Đức Thắng thì nay sản phẩm này có mặt rải rác ở hầu hết các khu phố lớn tại Hà Nội.
Anh V. một người đã chuyển nghề sau 4-5 năm kinh doanh mặt hàng này cho biết tới hơn 90% xe đạp điện trên thị trường là do Trung Quốc sản xuất và không ít trong số đó được nhập lậu vào Việt Nam với giá chỉ 2-3 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, khi được bán ra thị trường, giá xe thực tế đội lên hơn 10 triệu đồng mà việc bảo hành lại “được chăng hay chớ”.
“Lúc đầu việc kinh doanh cũng thuận lợi, lãi lớn nhưng sau nhu cầu mua của khách hàng giảm mạnh mà cạnh tranh lại ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, sau một thời gian sử dụng, xe hỏng hóc nhiều khách hàng tới phàn nàn suốt nên việc làm ăn càng thêm khó. Nguồn cung phụ tùng để thay thế không ổn định nên sau một thời gian tôi quyết định nghỉ” anh V chia sẻ.
Trên thị trường hiện nay, xe đạp điện thường chia thành hai kiểu thiết kế, một nhắm tới các khách hàng học sinh, sinh viên và một nhắm tới những người lớn tuổi và các bà nội trợ.
Với khách hàng học sinh, sinh viên, giới kinh doanh thường chào bán các mẫu xe thiết kế trẻ, màu sắc lòe loẹt và không quá đắt từ 7 đến 10-11 triệu đồng. Với những người lớn tuổi, các dòng xe hay được lựa chọn có thiết kế ít màu mè và có giá cao hơn.
Một cửa hàng bán xe đạp điện thường phân phối cùng lúc nhiều loại xe nhưng dòng xe nào cũng được quảng bá là “hàng chính hãng từ đại lý chính hiệu”.
Khá nhiều người bán hàng “nói nhỏ” với chúng tôi về việc dòng xe này, dòng xe kia là hàng Tàu nên giá rẻ và tư vấn nên mua sản phẩm khác giá cao hơn nhưng “chính hãng hơn” dù cũng là hàng “made in China”.
Bên cạnh xe đạp điện Trung Quốc, có một lượng xe đạp điện sản xuất tại Việt Nam nhưng những sản phẩm này khó “sống” với xe nhập từ Trung Quốc vì kém bắt mắt và ít cạnh tranh về giá hơn.
Bất an về chất lượng
Thông thường nếu may mắn, người dùng sẽ không gặp nhiều vấn đề về chất lượng trong vòng 1 năm đầu sử dụng xe đạp điện. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, chất lượng ắc quy cũng như khả năng vận hành của không ít loại xe đạp điện xuống cấp một cách thậm tệ sau 1 năm sử dụng, đúng thời điểm hạn bảo hành kết thúc.
Lúc này, người dùng chỉ còn cách “vứt xó” chiếc xe hoặc chấp nhận sửa, thay pin với chi phí bằng hoặc hơn 1/2 giá xe mới.
Xe đạp điện có thật sự tiết kiệm chi phí như quảng cáo của nhiều nhà phân phối? 
Chị M. ở Hà Đông, Hà Nội cho biết thấy các bà hàng xóm sắm xe điện, chị cũng bỏ ra gần 10 triệu đồng mua để đi cho đỡ tiền xăng nhưng chưa đầy 2 năm sau khi mua chị phải “bỏ của chạy lấy người” vì ắc quy hỏng, xe nay ốm mai sự cố.
“Lúc mới mua, tôi đi khoảng 2-3 ngày (tương đương với 30-35 km) mới phải sạc pin một lần và xe dùng cũng tạm ổn. Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng, số km đi được sau mỗi lần nạp nhiên liệu ngày càng giảm và hết 1 năm bảo hành, xe chỉ còn đi được 10-15 km/lần sạc. Không chỉ thế, đến còi, đèn có vấn đề và giờ ắc quy đã hỏng mà tổng chi phí sửa là gần 7 triệu đồng!”
Ngoài việc nhanh xuống cấp về chất lượng, xe đạp điện còn có khá nhiều bệnh trong mùa mưa hay mùa nồm ẩm vì ắc quy bị dính nước.
Vì thế, nhiều người từng “mê mẩn” dòng xe này vì độ tiện dụng và có vẻ tiết kiệm vì không tốn tiền xăng đã phải thất vọng.
“Lúc đầu, tôi cứ nghĩ đi xe này tiết kiệm nhưng sau khi mất hơn 10 triệu đồng để mua xe tôi lại phải chi hơn 5 triệu đồng để sửa ắc quy chỉ vì một lần bị dính ngập nước. Giờ đây, sau chưa đầy 1 năm dùng, bộ ắc quy thứ 2 cũng bắt đầu bị chai, phải sạc điện suốt ngày. Tôi thực sự thấy nản vì chẳng dùng được mấy mà lại tốn, chưa kể cứ trời mưa là chẳng không dám đi xe.” chị Vân Anh, một cựu tín đồ của xe điện than thở về chiếc xe đạp điện khá bắt mắt của mình.
Và nỗi lo về an toàn giao thông
Không cần tới các khảo sát hay nghiên cứu, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy sự gia tăng của số lượng xe đạp điện trên đường phố, đặc biệt là ở các khu vực có trường học cấp 2,3 hay các khu trung tâm thương mại.
Giữa lúc phố xá đông đúc, việc một số thanh thiếu niên học sinh điều khiển xe đạp điện phóng vèo qua, lượn lách với tốc độ khá cao mà không sử dụng mũ bảo hiểm trở nên phổ biến.
Không ít tai nạn đã xảy ra bởi loại phương tiện này có thể đạt tốc độ 40-50 km/h mà không phát ra nhiều âm thanh để những người đang lưu thông trên đường biết sớm.
Do phụ huynh lơ là hoặc chiều con nên nhiều học sinh sử dụng dòng xe này từ rất sớm, có khi từ lúc mới học lớp 5, lớp 6 càng khiến nguy cơ tai nạn tăng cao.
Bên cạnh đó, việc quản lý và xử lý các vụ vi phạm luật an toàn giao thông của những người sử dụng xe đạp điện còn yếu do thiếu chế tài. Những yếu tố này làm không ít chuyên gia phải lo lắng về nguy cơ xe đạp điện đang và sẽ trở thành một “thảm họa giao thông” tại Việt Nam.
Khánh Hòa (theo VTC)

Bình luận(0)