Tiến sĩ cơ khí khẳng định chất lượng SH Việt "có vấn đề"

Google News

Theo TS Lê Văn Tụy có thể do SH sử dụng vật liệu trong chi tiết máy mà chất lượng không bảo đảm đủ bền để vừa chịu lực vừa chịu nhiệt.

Sau khi đọc những bài viết trên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam phản ánh về sự cố sự cố xe Honda SH của anh Nguyễn Khắc Chiến (huyện Đoan Hùng – Phú Thọ) bị vỡ vụn búa côn khi mới chạy được hơn 2.000 km, trong khi Honda Việt Nam khẳng định lỗi này do "điều kiện sử dụng của khách hàng", trao đổi với phóng viên, TS Lê Văn Tụy – Phó trưởng khoa Khoa Cơ khí Giao thông - Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, đó là cách giải thích chưa đầy đủ.
 Theo TS Lê Văn Tụy lỗi của Honda Việt Nam có thể do sử dụng vật liệu trong chi tiết máy mà chất lượng không bảo đảm đủ bền để vừa chịu lực vừa chịu nhiệt?
Là người nghiên cứu kỹ thuật Động cơ nhiệt, kỹ thuật Ô tô - Xe máy, qua hình ảnh chụp lại hiện trạng xe sau khi gặp sự cố, theo TS Lê Văn Tụy nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên do quá tải về nhiệt.
“Nguyên nhân của nó là do quá tải vì nhiệt, tức là do quá nóng so với khả năng chịu nhiệt của vật liệu vừa đồng thời chịu lực bởi sự truyền tải, làm cho vật liệu không còn đủ bền vì nhiệt", TS Lê Văn Tụy lý giải.
Lực truyền tải của xe lớn không chỉ do xe chở nặng hoặc chở quá số người quy định. Có thể trong quá trình vận hành xe gặp đoạn đường khó đi, chỗ đông người tắc đường, người điều khiển xe phải ga nhích đi từng đoạn một trong một quãng đường dài sinh nhiệt lớn, dẫn đến sự cố nóng chảy búa côn.
Nhận xét câu trả lời của Honda Việt Nam về nguyên nhân dẫn đến sự cố kỹ thuật xe SH, TS Lê Văn Tụy cho rằng đó là cách giải thích chưa đầy đủ. Theo TS Tụy bên cạnh việc người điều khiển xe có thể vừa ga, vừa giữ phanh trong quá trình vận hành xe trên quãng đường dài (có thể do đường đông, tắc đường – PV) dẫn đến má phanh nóng quá, chảy ra do đó bát côn xe không bị vỡ vụn mà bị cháy do nhiệt, vấn đề đặt ra ở đây là chất lượng vật liệu cấu thành chi tiết máy, cụ thể là búa côn.
“Có thể do vật liệu không bảo đảm chất lượng về sức bền để có thể vừa chịu nhiệt quá nóng vừa chịu tải tác động đồng thời”, TS Tụy cho biết.
Để chính xác hơn cần kiểm tra chất lượng vật liệu của búa côn trong xe gặp sự cố xem liệu có đảm bảo chất lượng không? Có bảo đảm đủ bền để vừa chịu lực vừa chịu nhiệt không?
Cũng đồng tình với TS Lê Văn Tụy, anh ông Nguyễn Xuân Định - người có gần 20 năm giảng dạy về kỹ thuật xe máy tại Trung tâm dạy nghề Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng: Sự cố xe SH gặp phải có thể xuất phát từ gãy vố lò xo giữ các búa côn trong hộp côn. Theo ông Định, nguyên nhân hiện tượng này có thể do chất lượng vật liệu của búa côn "có vấn đề".
Hoàng Lực (theo GDVN)

Bình luận(0)