Trước 25/2, đơn vị tư vấn các phương án điều chỉnh quy hoạch mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất phải hoàn thiện yêu cầu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề ra.
4 yêu cầu và thêm 3 phương án được Phó Thủ tướng đặt ra tại buổi làm việc chiều nay.
Theo đó, yêu cầu đầu tiên về trong việc mở rộng Tân Sơn Nhất được Phó Thủ tướng đặt ra là phải làm thật nhanh để khắc phục ngay tình trạng ùn tắc “từ trên trời xuống dưới đất, từ trong ra ngoài” như hiện nay.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng |
“Không thể chọn phương án thi công kéo dài 3-5 năm hoặc lâu hơn. Mọi công đoạn thực hiện đầu tư nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất phải được thực hiện nhanh nhất trong năm 2017, để năm 2018 có thể đưa vào sử dụng” - Phó Thủ tướng lưu ý.
Yêu cầu thứ hai là phải rẻ nhất. Phó Thủ tướng cho biết, vốn đầu tư công hiện đang rất khó khăn, do đó phải hạn chế ở mức thấp nhất nguồn vốn nhà nước. Cần có giải pháp để khuyến khích xã hội hoá, huy động vốn của các doanh nghiệp cho đầu tư, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư, giảm thất thoát.
Yêu cầu thứ ba là phải đảm bảo chất lượng công trình, không chỉ đảm bảo an toàn chịu lực, mà còn phải đảm bảo chất lượng về mỹ quan, cảnh quan, môi trường.
Yêu cầu thứ tư là phải đảm bảo an toàn cả trong quá trình đầu tư xây dựng, khai thác, sử dụng công trình; đảm bảo an toàn, an ninh hàng không.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý đơn vị tư vấn đặc biệt chú ý giao thông kết nối với sân bay và khẩn trương hoàn thiện các phương án trước ngày 25/2 để báo cáo Thủ tướng phê duyệt.
“Khi hoàn thiện được các phương án, cần công khai cho mọi người dân được biết”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Thêm 3 phương án
Ngoài 3 phương án được giới thiệu tại cuộc họp ngày 20/1, đơn vị tư vấn đã hoàn thiện thêm 3 phương án 2B, 2C, 2D theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Như vậy hiện có tất cả 6 phương án mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các phương án mở rộng, nâng cấp Tân Sơn Nhất phải được xây dựng thực sự khoa học, khách quan |
Cụ thể, phương án 2B sẽ xây dựng đường cất hạ cánh số 3 về phía Bắc, xây dựng các đường lăn thoát nhanh nối giữa đường cất hạ cánh mới và sân đỗ, xây dựng nhà ga T4 ở phía Bắc, nhà ga lưỡng dụng T3 ở phía Nam... Phương án này có thể nâng công suất lên 48-50 triệu hành khách/năm, chi phí khoảng 93.000 tỷ đồng, xây dựng trong 10-12 năm.
Phương án 2C cũng như phương án 2B, nhưng xây dựng nhà ga T4 công suất lớn hơn, khoảng 25-30 triệu lượt hành khách/năm. Phương án này sẽ nâng công suất Tân Sơn Nhất lên 68-70 triệu lượt hành khách/năm, tiêu tốn khoảng 131 ngàn tỷ đồng, xây dựng trong hơn 15 năm.
Phương án 2D là xây dựng thêm nhà ga T5, nâng tổng công suất lên 78-80 triệu khách/năm. Thời gian xây dựng của phương án này là trên 15 năm, với kinh phí khoảng 185,5 ngàn tỷ đồng.
Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện các phương án đã báo cáo. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu bổ sung phương án 3B. Phương án này theo hướng xây dựng các đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa hai đường cất hạ cánh, cải tại đường cất hạ cánh 25L/07R như phương án 3.
Tuy nhiên, xây dựng nhà ga hành khách với cùng công suất 43-45 triệu hành khách/năm ở phía Bắc (khu vực sân golf hiện nay) để từ đó có cơ sở so sánh, lựa chọn một cách chính xác nhất.
“Các phương án phải được xây dựng thực sự khoa học, khách quan, có sự so sánh, đối chiếu một cách rõ ràng để có sự cân nhắc, lựa chọn tối ưu nhất dựa trên các tiêu chí nêu trên”, Phó Thủ tướng yêu cầu.