Y bác sĩ tuyến đầu chống COVID-19 được hưởng chế độ như nào?

Google News

Để bù đắp phần nào những khó khăn và động viên lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, đặc biệt là đội ngũ nhân viên y tế, Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế chính sách trong phòng chống dịch COVID-19.

Qua kiểm tra tình hình thực tế, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo đưa vào Nghị quyết phiên họp về việc giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đang ngày đêm vất vả phục vụ nhân dân.
Ngày 8/9, qua nắm bắt thông tin dư luận, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế khẩn trương có giải pháp kịp thời, cụ thể về vấn đề này.
Y bac si tuyen dau chong COVID-19 duoc huong che do nhu nao?
Thủ tướng Phạm Minh Chính  chỉ đạo quan tâm hơn nữa chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Chế độ theo quy định chung
Chính phủ đã có Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số cơ chế đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.
Trong đó, Điều 2, Nghị quyết số 16/NQ-CP quy định về Chế độ phụ cấp chống dịch như sau:
1. Chế độ phụ cấp chống dịch mức 300.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với:
a) Người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch.
b) Người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc COVID-19, nghi mắc COVID-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
c) Người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SASR-CoV-2 tại cơ sở y tế.
d) Người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người mắc COVID-19.
2. Chế độ phụ cấp chống dịch mức 200.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với:
a) Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
b) Người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước.
c) Người làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường tại cơ sở y tế để phục vụ cho phòng xét nghiệm SASR-CoV-2.
3. Chế độ phụ cấp chống dịch mức 150.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với:
a) Người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú).
b) Người làm nhiệm vụ cưỡng chế cách ly y tế, truy tìm đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế nhưng không chấp hành biện pháp cách ly y tế.
c) Người phiên dịch, đội cấp cứu 115, kíp vận chuyển người bị cách ly; lái xe đưa cán bộ đi kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch.
d) Người làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại tổ, chốt, đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới; làm thủ tục cho người nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển.
đ) Người làm nhiệm vụ khoanh vùng, phong tỏa, tuần tra, kiểm soát và đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực cách ly y tế tập trung, chốt kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn dân cư có người nhiễm COVID-19.
e) Người làm nhiệm vụ phun khử trùng, diệt khuẩn tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (không bao gồm đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều này), cơ sở cách ly y tế tập trung, khu vực dân cư bị khoanh vùng, phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
g) Người làm nhiệm vụ phân luồng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận, điều trị người mắc COVID-19.
4. Chế độ thường trực chống dịch mức 130.000 đồng/người/ngày áp dụng cho đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ (không bao gồm các đối tượng quy định tại khoản 7 Điều này).
5. Người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú), phân luồng, làm thủ tục cho người nhập cảnh; người bảo vệ khu vực cách ly y tế tại các địa bàn dân cư theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; người làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại các tổ, chốt đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới; cán bộ y tế thường trực 24/24 giờ tại cơ sở điều trị cách ly y tế để chăm sóc, điều trị người mắc, nghi mắc COVID-19 được hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày.
Bộ Y tế đề xuất tăng hỗ trợ phụ cấp
Ngày 9/9, Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có các phụ cấp đặc thù chuyên môn cũng như chế độ ăn và sinh hoạt đối với lực lượng y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế. Tuy nhiên, hiện nay, lực lượng y tế vẫn gặp không ít khó khăn, phải chịu sự hy sinh, mất mát, đối mặt với các nguy cơ đe dọa sức khỏe và tính mạng trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Y bac si tuyen dau chong COVID-19 duoc huong che do nhu nao?-Hinh-2
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trò chuyện, động viên đội ngũ y bác sĩ của BV Trung ương Huế đang làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-1 tại BV dã chiến số 14 TPHCM (Ảnh: Thái Bình). 
Để bù đắp phần nào những khó khăn và động viên các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là chế độ phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch nói chung; các phụ cấp đặc thù chuyên môn cũng như chế độ ăn và sinh hoạt đối với lực lượng y tế.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ xem xét các chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở và cán bộ y tế làm công tác dự phòng với những điều khoản về hỗ trợ, đào tạo, thu hút cán bộ y tế, nhất là cán bộ y tế có trình độ đại học trở lên. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét các chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản tại những vùng miền núi, khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin thêm, trước đó, theo kiến nghị của Bộ Y tế, tại Nghị quyết số 58/NĐ-CP ngày 8/6/2021, Chính phủ đã phê duyệt các chính sách phụ cấp đặc thù đối với cán bộ tham gia công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19; áp dụng chế độ trong thời gian tình nguyện tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đối với học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp khối ngành y dược, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách, gồm chế độ bồi dưỡng chống dịch và chế độ tiền ăn, chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong thời gian ở lại nơi tình nguyện.
Đề xuất này của Bộ Y tế được đưa ra trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhân viên y tế đang phải làm việc quá tải, không bảo đảm sức khỏe và tinh thần. 
TPHCM nâng mức hỗ trợ vì đặc thù
Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM - Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin, chính sách chăm lo cho tuyến đầu phòng chống dịch là chính sách xuyên suốt của TP theo chủ trương chỉ đạo của Trung ương. Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 37 ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng chống dịch (theo đó, các đối tượng được hưởng tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày), ngay thời điểm đó, TP đã có Nghị quyết của HĐND TP về công tác phòng chống dịch. Trong đó, trên địa bàn TP nâng mức hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng tham gia phòng chống dịch thời điểm đó là 120.000 đồng/người/ngày. Ngày 28/2/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 16 về chi phí cách ly y tế và một số chế độ khám chữa bệnh, phòng chống dịch (quy định chế độ tiềm ăn là 80.000 đồng/người/ngày). TP cũng đã có một Nghị quyết của HĐND TP, trong đó mở rộng thêm một số đối tượng được hỗ trợ tiền ăn so với Nghị quyết 16 của Chính phủ và nâng mức chế độ tiền ăn cho những người tham gia là 120.000 đồng/người/ngày.
Y bac si tuyen dau chong COVID-19 duoc huong che do nhu nao?-Hinh-3
Đoàn Văn phòng Thành ủy TPHCM trao thư cảm ơn cho Bệnh viện dã chiến số 9.
Về chế độ lưu trú, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, TP quan tâm y bác sĩ - những người tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân COVID-19, có chế độ lưu trú để tránh lây nhiễm cho người nhà và nhiễm bệnh từ cộng đồng. Theo đó, quy định định mức ở các quận huyện và TP Thủ Đức không quá 450.0000 đồng/người/ngày và tại các huyện không quá 350.000 đồng/người/ngày. Nhờ chính sách này, hiện nay hầu hết các nhân viên y tế tuyến đầu phòng chống dịch, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân COVID-19 được miễn chỗ lưu trú mà không phải về nhà.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng thông tin thêm, TP đã có chính sách với các cơ sở y tế công lập trên địa bàn, các bệnh viện đã chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn bộ sang điều trị COVID-19. Trước đây, các bệnh viện trên địa bàn TP thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Khi chuyển đổi công năng, TP quay sang chế độ hưởng ngân sách nhà nước, đảm bảo lương, phụ cấp, chi phí vận hành bệnh viện, kể cả thu nhập tăng thêm của nhân viên y tế theo Nghị quyết 03 của HĐND TP đảm bảo đầy đủ, không giảm so với thu nhập năm 2020. Đối với những nhân viên, cán bộ viên chức, tại các bệnh viện không phải điều trị COVID-19, tình nguyện đến những bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức để cách ly điều trị, hưởng chế độ như cán bộ, viên chức, người lao động của những bệnh viện đã chuyển đổi công năng.
Ngoài ra, gần đây Nghị quyết 12 của HĐND TP ngày 24/8, có chính sách hỗ trợ lực lượng tuyến đầu có mức từ 1,5 đến 10 triệu đồng/người tùy vào tính chất công việc tham gia. Ngoài các chính sách của Nhà nước, thời gian qua, nguồn vận động xã hội hóa thông qua MTTQ rất nhiều, đã hỗ trợ cho những nhân viên y tế về khẩu phần ăn, nước uống, trái cây… 
Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)