Xót xa những lời kêu cứu của công nhân thất nghiệp "mùa" COVID-19

Google News

Dịch COVID-19 làm nhiều người mất công việc, mất thu nhập, trong đó có nhiều công nhân, người lao động tự do. Giữa tình cảnh khó khăn vì COVID-19, nhiều nhóm công nhân đã phải lên tiếng xin sự trợ giúp từ cộng đồng.

Lời cầu cứu giữa mùa dịch COVID-19
Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và nặng nề buộc thành phố Hà Nội phải tiếp tục giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16. Mỗi ngày trôi qua là nỗi lo của toàn thể chính quyền và nhân dân Thủ đô khi con số bệnh nhân mắc COVID vẫn tăng, chưa có dấu hiệu giảm. Dù vậy, người dân Hà Nội, kể cả những người đang “tha phương cầu thực” bị kẹt lại ở Thủ đô vẫn đang chung tay phòng, chống dịch, ủng hộ chính quyền và sẵn sàng “tương thân, tương ái” giúp nhau vượt qua đại dịch đầy khó khăn. 
Xot xa nhung loi keu cuu cua cong nhan that nghiep
Một trong những lời cầu cứu sự giúp đỡ về lương thực thực phẩm được đăng tải trên nhóm "Hà Nội - Giúp nhau mùa dịch". 
Tại nhóm “Hà Nội – Giúp nhau mùa dịch”, gần 40 nghìn người tham gia đang trở thành một cầu nối để các mạnh thường quân tiếp cận thông tin, hỗ trợ những hoàn cảnh gặp khó khăn trong mùa dịch. Ngay trên nhóm, những lao động nghèo, công nhân xa xứ, người khuyết tật... đang bị “mắc kẹt” giữa Thủ đô với nỗi lo bữa cơm qua ngày vì COVID-19 cũng đã bỏ đi sự “mặc cảm” để nương nhờ, cầu cứu sự giúp đỡ của cộng đồng.
“Em xin chào tất cả những người có tấm lòng hảo tâm. Em tên là Hưng, quê ở Thái Bình. Em là người khiếm thị. Biết dịch bệnh là tình hình chung, mỗi người một hoàn cảnh, em bị nghỉ việc mấy tháng nay. Vừa không được về quê vừa không có tiền để ăn nữa. Em kính mong nhận được sự giúp đỡ của tất cả quý anh chị. 2 vợ chồng em đã thật sự cạn kiệt tiền ăn và tiêu dùng. 2 vợ chồng em đều là người mắt kém. Em đang ở 191 Âu Cơ, quận Tây Hồ” – dòng viết kêu cứu của anh Hưng trên nhóm “Hà Nội – Giúp nhau mùa dịch”.
Hay như lời kêu cứu thay của một chủ nhà trọ: “Xóm trọ của tôi có khoảng 30 người, toàn làm xây dựng, phụ hồ, lao động tự do. Hiện họ không còn tiền và không có cơm ăn đủ no, rất cần sự giúp đỡ. Địa chỉ, số 82 Giáp Nhất, quận Hoàng Mai”.
“Nhà em toàn anh em công nhân xây dựng mà giờ giãn cách 15 ngày nữa không có tiền ăn, tiền trọ. Mong các nhà hảo tâm giúp đỡ chúng em trong tình hình dịch COVID-19. Chúng em ở phố Tu Hoàng, phường Phương Canh, Nam từ Liêm” – một công nhân đăng tải trên mạng cầu cứu sự giúp đỡ.
Xot xa nhung loi keu cuu cua cong nhan that nghiep
Nhóm công nhân cần sự giúp đỡ ở phố Tu Hoàng, quận Nam Từ Liêm. 
“Trên địa bàn phường Phú La có nhiều khu giãn cách tập trung cho công nhân xây dựng các dự án trên địa bàn. Riêng khu C4 khu đô thị Văn Phú có 200 công nhân đang thực hiện giãn cách tại chỗ...Với tinh thần đoàn kết, chúng tôi mong có thêm sự hỗ trợ của mọi người để 200 công nhân nơi đây, cũng như những điểm khác trên địa bàn có thêm điều kiện tốt hơn, để chờ thời gian giãn cách qua đi” – nội dung đăng tải trên mạng xã hội do Phó Chủ tịch phường Phú La, quận Hà Đông Lê Trung Dũng đứng ra đại diện, làm đầu mối kết nối sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.
Một tài khoản cũng kêu cứu: “Xóm trọ em có 20 hộ gia đình bị mắc kẹt ở đây, đa số toàn công nhân bị mất việc mấy tháng nay, chạy lo ăn từng bữa mà dịch này khó khăn quá. Em muốn xin lương thực nhu yếu phẩm thiết yếu giúp cho 20 hộ gia đình. Xóm đông trẻ con có 14 đứa nên em rất mong anh chị giúp các gia đình qua giai đoạn khó khăn này. Số điện thoại của em là 0866222xxx. Địa chỉ, số 53, ngõ 27/29 Võ Chí Công, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Em xin chân thành cảm ơn”.
Sau khi những lời cầu cứu trên được đăng tải trên nhóm “Hà Nội – Giúp nhau mùa dịch”, nhiều nhà hảo tâm đã chủ động liên hệ, tìm hiểu thực tế và có những phần quà hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch, cùng nhau giúp đỡ và dịu dắt họ vượt qua đại dịch COVID-19. Hiện trên nhóm “Hà Nội – Giúp nhau mùa dịch” vẫn đang còn rất nhiều hoàn cảnh cần sự giúp đỡ chờ đợi những tấm lòng thơm thảo.
Ấm lòng siêu thị “0 đồng”
Đầu tháng 8/2021, sân trụ sở UBND phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội “mọc” lên một siêu thị mini “0 đồng”. Ở đây không mua bán bằng tiền. Người dân chỉ cần cầm phiếu quà tặng với mệnh giá 400.000 đồng đến, tự tay lựa chọn những sản phẩm thiết yếu cho gia đình.
Dù là siêu thị mini nhưng mặt hàng rất phong phú tới 60 sản phẩm thiết yếu như: gạo, mì, sữa, rau củ quả, trứng, xà phòng, khẩu trang y tế… Trong đó có nhiều sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của Hà Nội với giá thấp hơn ở các siêu thị thương mại.
Bà Phạm Thị Hà (71 tuổi), tổ dân phố số 1 phường Đức Thắng, chia sẻ là cựu thanh niên xung phong, sức khỏe yếu. Chồng bà Hà cũng là cựu chiến binh. Hai người không có con nên hoàn cảnh rất khó khăn. Vì thế khi được phát phiếu quà tặng để đi mua hàng, bà vô cùng xúc động.
“Khi được bí thư Đoàn phường báo, tôi vô cùng xúc động và đến trước 15 phút. Cảm nghĩ của tôi lúc này là rất xúc động và rơi nước mắt trước sự quan tâm của Đoàn Thanh niên đối với bản thân tôi và rất nhiều người dân khác trong giai đoạn dịch bệnh” - bà Hà xúc động chia sẻ.
Cũng là người dân khó khăn được đến mua hàng tại siêu thị, ông Lê Thanh Mẽ (73 tuổi), tổ 7, phường Đức Thắng cho biết là người già yếu, con cái đều bị mất việc làm do dịch COVID -19 nên hoàn cảnh khó khăn, vì vậy ông được tổ dân phố phát phiếu đi mua hàng 0 đồng.
Ông Mẽ xúc động: "Tôi rất phấn khởi đến cửa hàng để được mua sắm. Tôi thấy một điều thú vị là siêu thị nhỏ thôi, nhưng rất trang trọng, rất chu đáo, hàng hóa phong phú. Những người phục vụ chuyên nghiệp. Điều đó nói lên tình cảm giúp đỡ của những mạnh thường quân, rất tôn trọng những người được giúp đỡ trong những lúc khó khăn này”.
Ông Mẽ cũng cho biết đây là điều xưa nay chưa từng thấy, vì theo ông, giúp đỡ có nhiều cách, nhưng trường hợp này người giúp đỡ được tự lựa chọn, được tôn trọng, chứ không phải tiếp nhận một cách thụ động. “Đó là cái mới, tôi nghĩ là cần phải phát huy” - ông Mẽ phấn khởi.
Xot xa nhung loi keu cuu cua cong nhan that nghiep
 Siêu thị "0 đồng" của Thành đoàn Hà Nội đang giúp đỡ rất nhiều gia đình trong mùa dịch COVID-19.
Được biết, chương trình được thực hiện thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tổ chức với Chính quyền địa phương và Thành đoàn - Hội Sinh viên TP. Hà Nội. Đây là các đơn vị nắm rõ nhất hoàn cảnh, đối tượng tại cơ sở để Ban Tổ chức mang những món quà thiết thực trao được đến tận tay đúng người đang cần hỗ trợ. Siêu thị mini “0 đồng” được tổ chức vận hành bởi nguồn lực của đội ngũ nhân sự Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ, bên cạnh đó có sự tham gia tích cực của các tình nguyện viên là Đoàn Viên - Sinh viên trực thuộc Thành đoàn - Hội Sinh viên TP Hà Nội.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, Ban Tổ chức đã tổ chức 3 Siêu thị mini “0 đồng” tại phường Đức Thắng (Bắc Từ Liêm), phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng), phường Xuân La (Tây Hồ). Với số lượng gần 1.500 phiếu mua hàng phát ra, Ban tổ chức đã hỗ trợ được gần 1.500 người lao động nghèo và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với bớt phần nào lo âu giữa thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp.

Nguồn: QTV


Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)