Những chiếc xe không biển số
Ghi nhận của PV, tại một số tuyến phố trên địa bàn thủ đô Hà Nội như Định Công, Tân Mai, Nguyễn Xiển, Thái Hà,… xuất hiện khá nhiều những chiếc xe ba bánh lắp ráp phần máy của xe công nông chuyên chở vật liệu xây dựng như cát, đá, gạch, xi măng hoạt động rầm rộ.
|
Những chiếc xe tự chế, gắn máy nổ của công nông hàng ngày lưu thông trên đường. Ảnh: Thanh Hà. |
15h30 ngày 26/5, tại khu vực đường Định Công có 4-5 chiếc xe tự chế chở vật liệu xây dựng hoạt động tấp nập, phóng nhanh, lạng lách khiến nhiều người đi xe máy, xe đạp phải nhường đường. Nhiều xe xả khói đen kịt, kèm theo tiếng máy nổ phành phạch khiến người đi phía sau cảm thấy khó chịu.
Các loại xe tự chế có chiều dài khoảng 2m, rộng hơn 1m và không hề có biển số, đăng ký xe,… Đây đã trở thành phương tiện “chủ lực” chở vật liệu phục vụ cho các công trình xây dựng của người dân trong các ngõ, ngách nhỏ của Thủ đô nơi mà các loại ôtô lớn không thể vào được hoặc bị cấm. Ngoài việc cơ động hơn so với các phương tiện khác, loại xe tự chế này còn hoạt động bất kể giờ giấc, cứ có khách là chạy, một phần do việc thuê xe do người kéo giá cao và chở được ít vật liệu.
Theo chủ một chiếc xe tự chế, việc điều khiển chiếc xe khá đơn giản, không cần phải học lấy bằng và chi phí đầu tư một chiếc xe không cao như ô tô. “Chúng tôi cũng biết là nhà nước cấm các loại xe này, nếu bị bắt sẽ bị thu giữ nhưng do cuộc sống khó khăn, lại không có nghề nghiệp ổn định nên hàng ngày vẫn chở vật liệu cho các gia đình trong ngõ, ngách” – chủ xe cho biết.
Trao đổi với PV, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, đã là xe tự chế thì không an toàn do không được có quan có thẩm quyền kiểm định. Tuy nhiên, hiện nay do đời sống xã hội có rất nhiều nhu cầu khác nhau và không phải lúc nào cũng sử dụng những chiếc ô tô lớn. Nhiều người chở vật liệu nhẹ, di chuyển đồ đạc,… và thuê một chuyến ô tô rất tốn tiền, do vậy họ đã chọn những chiếc xe nhỏ như xe ba bánh tự chế, xe công nông vận chuyển hàng hóa.
“Hiện nay, các loại xe tự chế hoạt động rất phức tạp trong việc phục vụ nhu cầu của người dân và rất khó có thể cấm được các loại xe này. Nếu những chiếc xe này hoạt động, cần phải có sự kiểm soát của nhà nước và khi sản xuất phải có thiết kế, có xưởng sản xuất theo tiêu chuẩn từ động cơ, khí thải, hệ thống an toàn, có kiểm định và được cấp đăng ký. Ngoài ra, các loại xe này không được chở hàng cồng kềnh, không đi vào giờ cao điểm” – ông Liên nêu quan điểm.
|
Chủ yếu những chiếc xe này được thuê chở vật liệu xây dựng nhưu cát, xi măng, đá,.... Ảnh: Thanh Hà. |
Tránh xử lý kiểu “đầu voi đuôi chuột”
Theo thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 (CA Hà Nội), hiện nay, các phương tiện như xe công nông, xe ba bánh tự chế… thay vì chấp hành lệnh cấm thì một số phương tiện vẫn hoạt động tại tuyến đường không có lực lượng tuần tra kiểm soát để chở vật liệu, hàng hóa gây ra tai nạn cho chính bản thân người điều khiển và các phương tiện lưu thông trên đường. Những chiếc xe này không được đăng ký, không có biển số, không đủ điều kiện lưu hành thì không được tham gia giao thông trên đường phố và sản xuất lắp ráp trái quy định pháp luật.
“Đã có những quy định, chế tài xử phạt rất cụ thể đối với phương tiện này, khi phát hiện sẽ bị tịch thu. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần phải vào cuộc rà soát, nắm được trên địa có bao nhiêu phương tiện đang hoạt động, các cửa hàng bán vật liệu xây dựng vận chuyển bằng phương tiện gì để tuyên truyền người dân không đưa các phương tiện đó ra sử dụng tham gia giao thông để vận chuyển hàng hóa” – thượng tá Quỹ nói.
Cũng theo thượng tá Quỹ, cần có những chuyên đề tập trung xử lý triệt để những loại phương tiện này, nếu ở địa phương nào không làm tốt thì gắn đến vấn đề thi đua, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột” ra quân rầm rộ sau đó lại để các phương tiện này tiếp tục hoạt động.
Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc xử lý các loại xe công nông, xe ba bánh tự chế,… cần phải làm nghiêm, vi phạm thì bắt, xử phạt nặng và tịch thu phương tiện thì mới giải quyết được triệt để vấn đề. Tuy nhiên, cũng cần phải có giải pháp lâu dài để người dân học nghề, tạo môi trường thuận lợi, tìm kiếm đầu ra và họ có thể sống được với công việc mới.