Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí: Chống oan, sai là nhiệm vụ xuyên suốt

Google News

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí xác định, chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của các đơn vị nghiệp vụ.

Sáng 25/3, báo cáo công tác nhiệm kỳ tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao Lê Minh Trí cho biết, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ án hình sự đã khởi tố tăng so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, đã khởi tố nhiều vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế xảy ra trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đầu tư công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Vien truong VKSND toi cao Le Minh Tri: Chong oan, sai la nhiem vu xuyen suot
 Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí.
Tội phạm về tham nhũng, chức vụ được khởi tố tuy có giảm nhưng có nhiều vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn và nhiều bị can từng giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước. Tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là các hành vi lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng internet tăng. Tội phạm về ma túy tăng nhiều nhất, số vụ án có tính chất, quy mô lớn được phát hiện ngày càng nhiều. Các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại và khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng, nhiều vụ khiếu kiện hành chính phức tạp.
Ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố 375.884 vụ án hình sự (tăng 1,2%); kiểm sát việc giải quyết 1.713.874 vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động (tăng 22,5%) và 33.011 vụ án hành chính (tăng 10,1%).
"Viện trưởng VKSND tối cao xác định chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của các đơn vị nghiệp vụ. Theo đó, tập trung chỉ đạo tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ án ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra" - ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.
VKSND tối cao phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND tối cao, Ban Nội chính Trung ương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo; tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án.
Điểm nổi bật là chất lượng công tác giải quyết án hình sự tiếp tục được nâng lên, hạn chế đáng kể các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm so với nhiệm kỳ trước. Trong nhiệm kỳ, toàn Ngành đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 561.174 nguồn tin về tội phạm; qua kiểm sát đã ban hành hơn 220.000 văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm; đồng thời, trực tiếp kiểm sát gần 4.900 cuộc tại Cơ quan điều tra…
VKS các cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát việc bắt, tạm giữ 326.795 người; đã trực tiếp lấy lời khai đối với hơn 223.000 người nhằm bảo đảm việc ra các quyết định phê chuẩn có đầy đủ cơ sở, căn cứ pháp lý. Đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 418.540 vụ/603.111 bị can; trong quá trình kiểm sát, đã ban hành hơn 300.000 yêu cầu điều tra, tăng gần 70%, trực tiếp hỏi cung gần 200.000 bị can.
Thông qua công tác kiểm sát, ngành Kiểm sát đã góp phần hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm; bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam có đầy đủ căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế việc lạm dụng biện pháp tạm giam; chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm tố tụng và các trường hợp oan, sai giảm dần, kết quả công tác đạt và vượt các chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội. 
Trong nhiệm kỳ, số vụ án được Cơ quan điều tra VKSND tối cao phát hiện, khởi tố và điều tra tăng 34,3% so với nhiệm kỳ trước; trong đó, có nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp được dư luận xã hội quan tâm; tiến độ, chất lượng điều tra được nâng lên và không để xảy ra oan, sai; tỷ lệ điều tra đạt yêu cầu của Quốc hội. Thông qua hoạt động điều tra tội phạm trong hoạt động tư pháp, đã ban hành gần 500 kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp chấn chỉnh, phòng ngừa vi phạm, tội phạm (tăng 60%).
VKSND tối cao đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất cao, tập trung giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND tối cao, Ban Nội chính Trung ương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bảo đảm việc xử lý, giải quyết các vụ án vừa có tính pháp lý, vừa có tính chính trị và nhân văn sâu sắc; đã phối hợp với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, kết quả tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỷ đồng...
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác nhân sự

Nguồn: Nhân dân TV


Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)